Chương 2: Một Thế Giới Mới Mở Ra Trước Mắt Tôi

15 Tháng Mười 201812:41 CH(Xem: 2426)
53Vote
40Vote
30Vote
23Vote
10Vote
3.56

Chiến Thắng Con Quỷ Trong Bạn

Chương 2: Một Thế Giới Mới Mở Ra Trước Mắt Tôi


Rõ ràng là tôi đã vừa mới được sinh ra thêm lần nữa, bởi trong tôi không còn bất cứ nỗi sợ hãi nào. Lòng dũng cảm trong tôi dâng đầy chưa từng có. Dù vẫn chưa được chỉ dẫn về việc tôi có thể tìm thấy số tiền mình cần bằng cách nào hay từ đâu nhưng tôi có niềm tin tuyệt đối rằng số tiền đó đang chờ tôi ở phía trước, rõ ràng đến mức tôi có thể mường tượng ra cảnh tôi sở hữu nó như thế nào.


Trong suốt cuộc đời mình, hiếm khi nào tôi có lòng tin đến mức này. Đó là một cảm giác rất khó miêu tả lại với người khác. Không có từ ngữ nào thích hợp để diễn tả về nó - chỉ những ai từng trải qua chuyện giống như thế mới có thể hiểu được mà thôi.


Tôi lập tức làm theo những gì được hướng dẫn. Mọi cảm giác rằng tôi đang theo đuổi một nhiệm vụ bất khả thi đã tan biến hết. Tôi bắt đầu gọi điện thoại cho từng cái tên xuất hiện trong đầu mình mà tôi biết rằng họ có khả năng tài chính để giúp tôi 25.000 đô la tôi cần, bắt đầu với Henry Ford và tiếp tục với toàn bộ danh sách kéo dài hơn 300 người. “Cái tôi khác” của tôi chỉ nói: “Hãy cứ tiếp tục tìm kiếm đi.”


Sau giờ khắc đen tối nhất, bình minh sẽ đến


Nhưng sự kiên nhẫn của tôi cũng có giới hạn. Danh sách những người tôi quen biết đã cạn kiệt và tôi cũng không còn chút sức lực nào nữa. Tôi đã làm việc rất lâu, tôi hoàn toàn tập trung trí óc vào danh sách những cái tên đó nhưng vì hai ngày tới còn ở đây, tôi không làm việc nữa mà tranh thủ chợp mắt lấy vài giờ.


Tôi dựa lưng vào ghế, nhắm mắt lại và ngủ mơ màng được khoảng vài phút. Tôi bật dậy bởi dường như cả căn phòng vừa mới nổ tung. Bởi tôi vừa mới sực nhớ đến cái tên Albert L. Pelton... và kèm theo đó là một kế hoạch mà tôi biết chắc rằng nhờ nó mà tôi sẽ thành công trong việc nhờ Ngài Pelton xuất bản những cuốn sách của mình. Tôi chỉ nhớ rằng Ngài Pelton là chủ một doanh nghiệp từng quảng cáo trên tạp chí Nguyên tắc Vàng mà trước đây tôi từng xuất bản.


Tiềm thức của Napoleon Hill đã nhắc đến một cái tên người quen là nguồn đầu tư tiềm năng, dù đó chỉ là một người từng quảng cáo trên tạp chí của ông. Bạn có ấn tượng với mọi người bạn từng gặp gỡ và mọi người bạn gặp cũng đều có ấn tượng về bạn. Bạn chẳng bao giờ biết được khi nào bất cứ người quen nào đó của bạn có thể trở thành một đối tác làm ăn. Mạng lưới của bạn có sức mạnh vô cùng lớn.


Tôi gửi một bức điện đi, đề tên người nhận là Ngài Pelton ở Merriden, bang Connecticut và miêu tả kế hoạch như thể nó mới được nhét vào tay tôi vậy. Ông gửi lại cho tôi một bức điện với nội dung rằng hôm sau ông sẽ tới Philadelphia gặp tôi.


Khi ông đến, tôi đã cho ông xem bản thảo gốc về triết lý của tôi và giải thích ngắn gọn rằng về sứ mệnh của triết lý đó. Ông lật qua bản thảo trong vài phút, sau đó nhìn lên tường vài giây và nói: “Tôi sẽ xuất bản các cuốn sách của anh.”


Vậy là hợp đồng đã được ký, tôi nhận được một khoản tiền bản quyền trả trước, ông giữ bản thảo và ông mang chúng theo về Meriden.


Lúc đó tôi đã không hỏi ông rằng điều gì khiến ông quyết định sẽ xuất bản sách của tôi khi thậm chí ông chưa đọc qua bản thảo, nhưng tôi biết rằng ông đã tài trợ cho tôi số tiền mình cần, ông in sách cho tôi, ông giúp tôi bán hàng ngàn bộ sách cho các khách hàng của ông ở tất cả các nước nói tiếng Anh trên khắp thế giới.


“Cái tôi khác” bù đắp cho tôi


Ba tháng sau ngày Ngài Pelton đến gặp tôi ở Philadelphia, một bộ sách đầy đủ được đặt trên bàn, ngay trước mặt tôi và thu nhập từ tiền bán sách đã bắt đầu đáp ứng đủ cho mọi nhu cầu thường ngày của tôi. Các sinh viên của tôi trên toàn thế giới giờ đã có bộ sách này trong tay.


Số tiền bản quyền đầu tiên tôi nhận được từ tiền bán sách là 850 đôla. Khi tôi mở chiếc phong bì mới được chuyển đến, “cái tôi khác” nói với tôi rằng: “Giới hạn duy nhất của bạn do chính bạn tạo ra!”


“Giới hạn duy nhất của bạn do chính bạn tạo ra!”


Liệu câu nói này có đúng với bạn như đúng với tôi không? Trong rất nhiều lần, tôi chính là kẻ thù tồi tệ nhất của bản thân mình và thu mình lại một cách không cần thiết chỉ vì thiếu tự tin. Napoleon Hill muốn tất cả chúng ta khám phá ra “cái tôi khác” để có thể vươn tới tiềm năng lớn nhất trong mỗi người.


Tôi không dám chắc rằng mình thực sự hiểu “cái tôi khác” là gì nhưng tôi biết rằng những người đã tìm thấy nó, tin tưởng vào nó sẽ không bao giờ thất bại hoàn toàn.


Sau hôm Ngài Pelton tới Philadelphia gặp tôi, “cái tôi khác” đã cho tôi một ý tưởng để giải quyết vấn đề tài chính trước mắt. Tôi chợt lóe lên một ý tưởng rằng các phương pháp kinh doanh ô tô phải có sự thay đổi mạnh mẽ và những người bán ô tô trong tương lai nên học cách bán ô tô thay vì chỉ là những người đi mua lại và đổi những chiếc ô tô đã qua sử dụng - như phần lớn những người kinh doanh ô tô đang làm vào thời điểm đó.


Tôi còn xuất hiện ý nghĩ rằng những người trẻ tuổi vừa mới tốt nghiệp và cả những người chưa biết gì về những mánh lới cũ của ngành kinh doanh ô tô này sẽ là những “nguyên liệu” dễ nhào nặn nhất để tạo nên thế hệ nhân viên bán xe mới.


Ý tưởng đó rõ ràng và ấn tượng đến mức tôi đã lập tức gọi điện thoại đường dài cho Giám đốc kinh doanh của hãng General Motors[17] và giải thích ngắn gọn về kế hoạch của tôi với ông ấy. Ông quá ấn tượng với kế hoạch đó và liền giới thiệu tôi đến chi nhánh Tây Philadelphia của Hãng Ô tô Buick - công ty này thuộc quyền sở hữu của Earl Powell và do ông quản lý. Tôi đến gặp ông Powell và giải thích kế hoạch của mình với ông. Ông giữ tôi lại để huấn luyện 15 sinh viên vừa mới tốt nghiệp và đã được chọn lọc kỹ càng, họ chính là những người thực hiện kế hoạch của tôi.


Thu nhập từ công việc ấy thừa đủ để giúp tôi trang trải tất cả chi phí trong ba tháng sau đó, cho đến khi tôi nhận được lợi tức từ việc bán sách, trong đó gồm cả chi phí cho dãy phòng đắt đỏ tôi đã thuê mà lúc đầu tôi đã rất lo lắng không biết lấy tiền ở đâu ra để trả.


“Cái tôi khác” trong tôi đã không làm tôi thất vọng. Tôi đã có số tiền mình cần vào đúng thời điểm, như thể tôi có thể đoán trước chuyện đó vậy. Đến lúc này tôi đã hoàn toàn tin tưởng rằng chuyến đi tới Philadelphia của mình không thể nào là một nhiệm vụ ngớ ngẩn được, vì lý trí của tôi đã nói với tôi rằng mọi chuyện sẽ như thế trước khi tôi rời Tây Virginia.


Từ lúc đó cho tới ngay giây phút này, mọi thứ tôi cần đều đến với tôi dù cả thế giới đang trải qua thời kỳ suy thoái về kinh tế[18] và không phải ai cũng được đáp ứng những nhu cầu tối thiểu nhất của cuộc sống. Dù đôi khi những thứ mang tính “vật chất” mà tôi cần đến hơi muộn một chút nhưng thành thật mà nói, “cái tôi khác” luôn gặp tôi ở ngã tư và chỉ cho tôi biết mình nên đi con đường nào.


“Cái tôi khác” không tuân theo bất cứ tiền lệ nào, nó cũng không có bất kỳ giới hạn nào và luôn tìm được cách đi đến cuối con đường. Có thể nó sẽ gặp những thất bại tạm thời chứ không bao giờ hoàn toàn thất bại. Tôi có thể khẳng định điều đó chắc chắn như việc tôi đang viết những dòng chữ này vậy.


“Cái tôi khác” có thể “gặp những thất bại tạm thời chứ không bao giờ hoàn toàn thất bại.”


Đã bao nhiêu lần chúng ta để những thất bại tạm thời ảnh hưởng đến mình như thể chúng ta đã hoàn toàn thất bại, thay vì học từ thất bại đó và đứng dậy đi tiếp? Như Napoleon Hill đã nói trong cuốn sách, trong suốt cuộc hành trình của mình, ông đã phải lùi bước rất nhiều lần nhưng mỗi lần như thế, ông đều tìm được “hạt mầm” của những lợi ích lớn hơn và tiếp tục đi tới những thành công lớn hơn.


Tôi cũng đồng thời hy vọng rằng một số nhà triệu phú đang bị tổn thương bởi nền kinh tế suy thoái và những chuyện không mấy dễ chịu khác sẽ khám phá ra thực thể kỳ lạ này bên trong con người họ - thực thể mà tôi vẫn gọi là “cái tôi khác” và khám phá đó sẽ dẫn đường chỉ lối cho họ như nó đã dẫn đường chỉ lối cho tôi đến gần hơn với sức mạnh có thể giúp họ vượt qua những trở ngại và làm chủ mọi khó khăn, thay vì để chúng chế ngự mình. Có một sức mạnh vĩ đại trong “cái tôi khác” đang chờ bạn khám phá. Hãy tìm kiếm nó thật chân thành và rồi bạn sẽ thấy nó.


Công trình của Napoleon Hill được xuất bản trong thời kỳ Đại Suy thoái và trên thực tế, nó đã giúp hàng triệu người tìm thấy niềm hy vọng và lòng dũng cảm để sống với niềm tin rằng họ sẽ tìm thấy con đường dẫn đến thành công của riêng mình. Tôi tin rằng chúng ta có thể thấy có rất nhiều nét tương đồng giữa thời kỳ của ông và thời kỳ của chúng ta hiện nay. Đó là những giai đoạn đầy căng thẳng và chúng ta phải tìm thấy ý chí và sức mạnh nội tại bên trong mình. Với tình hình kinh tế bất ổn hiện nay, mọi người đang lựa chọn - hay buộc phải lựa chọn - để tìm ra những con đường mới cho bản thân cũng như cho gia đình mình và rất nhiều người đã đạt được những thành công vĩ đại. Họ sẽ trở thành nhân vật chính trong những câu chuyện vĩ đại về thành công mà chúng ta sẽ được đọc trong vài năm nữa. Liệu chính bạn có được góp mặt trong những câu chuyện ấy hay chỉ là một nhân vật phụ ở bên lề câu chuyện mà thôi?


Trong cái rủi có cái may


Tôi đã có thêm một khám phá nữa, đó là kết quả của sự khai tâm “cái tôi khác” trong tôi, rằng mọi vấn đề dù khó khăn đến đâu cũng đều có cách giải quyết.


“Mọi vấn đề dù khó khăn đến đâu cũng đều có cách giải quyết.”


Khi đang ở tâm bão, bạn sẽ rất khó nhận thấy điều này, tuy nhiên khi sự việc đã qua rồi, bạn sẽ thấy điều đó luôn đúng.


Tôi cũng khám phá ra rằng trong mỗi thất bại tạm thời, mỗi sai lầm hay mỗi nghịch cảnh, luôn có một hạt mầm lợi ích tương đương.


Nhưng các bạn nên lưu ý rằng, tôi không nói đến “bông hoa” thành công trọn vẹn, viên mãn mà là “hạt giống” - nơi từ đó bông hoa kia sẽ nảy mầm và sinh sôi nảy nở. Tôi biết nguyên tắc này không có ngoại lệ nào hết. Có thể không phải lúc nào bạn cũng trông thấy hạt giống mà tôi nói nhưng bạn có thể chắc chắn rằng nó luôn ở đó, dưới dạng thức này hay dạng thức khác mà thôi.


Tôi không làm ra vẻ rằng mình hiểu hết về tất cả những nguồn lực kỳ lạ đã khiến tôi rơi vào tình trạng nghèo khó và thiếu thốn, lấp đầy bản thân mình bằng nỗi sợ hãi và sau đó lại cho tôi một cuộc sống mới ngập tràn niềm tin mà thông qua đó, tôi lại có đặc quyền để giúp đỡ thêm 10.000 người khác đang trượt ngã. Nhưng tôi biết rằng có một sức mạnh nào đó đã đến với cuộc đời tôi và tôi đang làm mọi thứ có thể để giúp những người khác cũng có thể “giao tiếp” với nó.


Trong suốt một phần tư thế kỷ nghiên cứu về nguyên nhân dẫn đến thành công và thất bại của con người, tôi đã khám phá ra rất nhiều nguyên tắc thật sự hữu ích với tôi và những người khác. Nhưng điều gây ấn tượng nhất với tôi lại là mọi nhà lãnh đạo xuất sắc nhất tôi từng nghiên cứu đều có lúc bị bao vây bởi đầy rẫy khó khăn và gặp phải những thất bại tạm thời trước khi “cán đích”.


“Mọi nhà lãnh đạo xuất sắc nhất tôi từng nghiên cứu đều có lúc bị bao vây bởi đầy rẫy khó khăn và gặp phải những thất bại tạm thời trước khi ‘cán đích’.”


Sai lầm và thất bại tạm thời là một phần trong hành trình kiếm tìm thành công thực sự.


Từ Chúa Giê-su cho tới Edison, những người đạt được thành công vĩ đại nhất chính là những người đã đối mặt với nhiều dạng thất bại tạm thời khó chịu nhất. Dường như điều đó là minh chứng cho kết luận rằng Thượng đế đã có một kế hoạch, hay một quy luật nào đó đẩy con người phải vượt qua nhiều trở ngại trước khi cho họ quyền lãnh đạo hay đạt được thành công trong cuộc sống.


Tôi không hề mong muốn phải trải nghiệm lại cảm giác mình từng có trong đêm Giáng sinh định mệnh năm 1923 ấy, khi tôi đi dạo quanh ngôi trường ở Tây Virginia và tham gia vào cuộc chiến đấu chống lại nỗi sợ hãi, nhưng tôi cũng không đánh đổi kiến thức mà mình có được từ những trải nghiệm ấy lấy bất cứ thứ của cải nào trên thế gian này.


Với tôi, niềm tin bắt đầu có ý nghĩa mới


Tôi phải nhắc lại rằng tôi không biết chính xác “cái tôi khác” này là gì, nhưng tôi biết về nó đủ để hoàn toàn tin cậy vào nó trong những thời điểm khó khăn - khi khía cạnh lý trí thông thường trong tôi dường như không thể giúp tôi vượt qua khó khăn.


Cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu vào năm 1929 đã khiến hàng triệu người trở nên khổ sở, nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng chính nó cũng mang đến rất nhiều điều may mắn, ít nhất là nó giúp chúng ta nhận ra rằng bị ép không làm việc còn tệ hơn việc bị ép phải làm việc rất nhiều. Nếu phân tích theo khía cạnh cuộc suy thoái đã thay đổi được bao nhiêu con người thì có vẻ cuộc suy thoái kinh tế này vẫn là một điều may mắn hơn là một lời nguyền đáng sợ. Điều tương tự cũng đúng với mọi trải nghiệm khiến thói quen của con người thay đổi và buộc họ phải chuyển hướng sang “cái tôi khác” vĩ đại để giải quyết vấn đề của mình.


“Bị ép không làm việc còn tệ hơn việc bị ép phải làm việc rất nhiều. Nếu phân tích theo khía cạnh cuộc suy thoái đã thay đổi được bao nhiêu con người thì cuộc suy thoái kinh tế này vẫn là một điều may mắn hơn là một lời nguyền đáng sợ.”


Liệu Napoleon Hill có quá khắt khe khi viết như vậy không hay ông chỉ nhìn xa hơn hậu quả trước mắt của khủng hoảng kinh tế? Liệu những khó khăn trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay có thể là một điều may mắn được không? Liệu những thử thách về kinh tế - như bị mất việc chẳng hạn - có thể được gọi là “trong cái rủi có cái may”? Nếu nó đánh thức được tinh thần kinh doanh và sự sáng tạo ra những ngành nghề kinh doanh mới thì có thể câu trả lời sẽ là “Đúng”.


Thời gian tôi lẩn tránh ở Tây Virgina chắc chắn là sự trừng phạt nghiêm khắc nhất trong cuộc đời tôi nhưng chính trải nghiệm đó đã mang lại cho tôi những điều may mắn xuất hiện dưới dạng những kiến thức cần thiết và chúng còn hơn cả sự đền bù cho những đau khổ mà tôi phải trả. Để có kiến thức, tôi buộc phải trải nghiệm, đó là điều không thể tránh được. Quy luật về sự bù trừ mà Emerson đã định nghĩa rất rõ ràng khiến kết quả này vừa hợp lẽ tự nhiên lại vừa cần thiết.


Ralph Waldo Emerson đã giải thích về quy luật bù trừ bằng những thuật ngữ rất rõ ràng: “Bạn sẽ luôn gặt hái được gì đó từ những thứ bạn mất và bạn cũng sẽ luôn mất đi thứ gì đó cho những thứ bạn đạt được.” Trong tạp chí chuyên đề ngày mùng 8 tháng Một năm 1826 của mình, ông còn viết rằng: “Tất cả những gì chúng ta biết là một hệ thống bù trừ. Khuyết điểm của người này sẽ được bù trừ ở người khác. Mọi đau khổ đều được bù đắp, mọi hy sinh sẽ được đền đáp, mọi món nợ đều sẽ được trả.”


Tôi không có cách nào biết được trong tương lai tôi sẽ thất vọng bởi các thất bại tạm thời như thế nào. Tuy nhiên, tôi biết rằng không gì có thể khiến tôi tổn thương sâu sắc như những chuyện xảy ra trong quá khứ vì ít nhất thì giờ tôi đang thay mặt cho cả “cái tôi khác” của mình nữa.


Vì “cái tôi khác” này đang điều khiển tôi nên tôi đã có kiến thức khả dụng mà tôi tin chắc rằng tôi sẽ không bao giờ khám phá ra nếu thực thể sợ hãi trước kia của tôi còn đang chiếm ưu thế. Và tôi đã học được một điều rằng: Một người có thể vượt qua được những khó khăn tưởng như không thể vượt qua nếu họ quên chúng đi một thời gian và giúp đỡ những người gặp phải những khó khăn lớn hơn.


Giá trị của việc Cho đi trước khi Nhận lại


Tôi chắc rằng mọi nỗ lực của chúng ta nhằm giúp đỡ những người đang gặp khó khăn đều được đền đáp xứng đáng. Không phải lúc nào sự đền đáp ấy cũng đến từ những người chúng ta trực tiếp giúp đỡ, nhưng nó sẽ đến, theo cách này hoặc cách khác. Động cơ duy nhất truyền cảm hứng để tôi viết cuốn sách này là tôi chân thành mong muốn được giúp đỡ những người khác bằng cách chia sẻ với họ thật nhiều để giúp họ chuẩn bị chấp nhận vận may kỳ diệu như nó đã đến với tôi khi tôi khám phá ra “cái tôi khác” của mình. Thật may là vận may này không thể đo đếm được bằng bất cứ thuật ngữ nào liên quan đến vật chất hay tiền bạc, bởi nó tuyệt vời hơn mọi thứ thuộc phạm trù vật chất hay tiền bạc.


Những vận may liên quan đến vật chất hay tiền bạc, nói theo cách dễ hiểu nhất, được tính bằng số dư trong tài khoản ngân hàng. Số dư trong tài khoản ngân hàng của bạn không thể lớn hơn số tiền trong cả ngân hàng đó được. Còn vận may mà tôi đang nói đến kia lại được đo đếm không chỉ bởi sự bình yên và mãn nguyện mà còn lớn hơn thế rất nhiều - như thể nó tập hợp sức mạnh của mọi lời cầu nguyện vậy.


“Cái tôi khác” đã dạy tôi phải tập trung vào mục đích của mình và quên đi kế hoạch làm sao để đạt được nó trong lúc cầu nguyện. Ý tôi không phải là chúng ta có thể đạt được các mục tiêu về vật chất mà chẳng cần có bất cứ kế hoạch nào hết. Điều tôi muốn nói là sức mạnh có khả năng biến ý nghĩ hay ước muốn của một người thành hiện thực bắt nguồn từ Trí tuệ Vô hạn[19] - thế lực biết rõ hơn về kế hoạch của người cầu nguyện hơn chính người đang cầu nguyện.


Chúng ta có thể nói về trường hợp này theo một cách khác, dù rằng nó có vẻ không được khôn ngoan cho lắm, rằng khi cầu nguyện, hãy tin tưởng và giao kế hoạch phù hợp nhất để đạt được mục tiêu của lời cầu nguyện cho Đại trí[20]. Những trải nghiệm của tôi trong việc cầu nguyện thường xuyên dạy tôi rằng tất cả những kết quả từ việc cầu nguyện là một kế hoạch (trong trường hợp lời cầu nguyện được đáp lại), một kế hoạch thích hợp nhất cho việc đạt được mục tiêu của lời cầu nguyện thông qua các phương tiện tự nhiên và hữu hình. Kế hoạch đó phải được thực hiện thông qua sự tự nỗ lực của bản thân mỗi người.


Tôi chưa từng thấy bất cứ lời cầu nguyện nào mang lại hiệu quả với một tâm trí được trang trí bằng màu sắc của nỗi sợ hãi, dù là nhạt nhất.


Liệu cầu nguyện có phải là một phần cuộc sống của bạn không? Bạn có “tin tưởng và giao kế hoạch phù hợp nhất để đạt được mục tiêu của lời cầu nguyện cho Đại trí”? Bạn có thừa nhận rằng nếu muốn thành công thì bạn phải bắt tay vào hành động hay không?


Cách cầu nguyện mới


Từ khi quen với “cái tôi khác” trong mình, cách cầu nguyện của tôi đã thay đổi so với thời gian trước đó. Trước kia tôi chỉ cầu nguyện khi đối mặt với khó khăn, thách thức. Còn giờ thì bất cứ khi nào có thể, tôi đều cầu nguyện, trước khi khó khăn kịp đến với tôi. Và giờ tôi không cầu xin có thêm tài sản hay gặp thêm nhiều điều may mắn nữa mà tôi biết ơn vì những gì mình đã có. Và tôi nhận ra rằng cách cầu nguyện này tốt hơn so với cách trước đây tôi từng thực hiện.


Dường như Trí tuệ Vô hạn cũng không mấy khó chịu khi tôi nói lời cảm ơn và thể hiện lòng biết ơn của mình vì những may mắn tôi được ban tặng. Lần đầu tiên thực hành cầu nguyện theo cách thể hiện lòng biết ơn vì những gì mình đã có, tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra mình đã sở hữu những tài sản vô cùng lớn mà chưa từng cảm thấy biết ơn vì điều đó.


Chẳng hạn như, tôi nhận ra rằng mình sở hữu một cơ thể khỏe mạnh chưa từng ốm đau nặng bao giờ. Tôi có một trí tuệ được cân bằng bởi lý trí. Tôi có trí tưởng tượng sáng tạo có thể giúp tôi làm nhiều việc có ích cho rất nhiều người. Tôi vô cùng may mắn khi được tự do cả về thể xác lẫn tinh thần. Tôi có một khao khát bất diệt được giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình.


Tôi nhận ra tôi đã đạt được mục tiêu lớn nhất của con người - hạnh phúc, dù nền kinh tế suy thoái hay không suy thoái.


Cuối cùng, nhưng tất nhiên đó không phải là phát hiện ít giá trị nhất, tôi nhận ra rằng tôi có đặc quyền được tiếp cận với Trí tuệ Vô hạn, hoặc với mục đích biết ơn vì những gì tôi đã có, hoặc để xin được có được nhiều chỉ dẫn hơn.


Mỗi độc giả của cuốn sách này cần kiểm kê lại những tài sản không thể nhìn thấy được của mình. Một lần kiểm kê như thế có thể giúp bạn có cơ hội sở hữu những tài sản vô giá.


Tất cả chúng ta đều nên kiểm kê lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống của mình. Và hãy biết ơn mọi món quà chúng ta nhận được. Tôi biết rằng khi gặp khó khăn, tôi ép bản thân mình nghĩ về gia đình, bạn bè và những điều tốt đẹp họ đã mang đến cuộc đời tôi. Đó là con đường nhanh nhất và nó sẽ biến những thất bại tạm thời thành cơ hội.


Một vài dấu hiệu chúng ta thường bỏ sót


Cả thế giới đang trải qua một sự thay đổi với quy mô rộng lớn đến nỗi hàng triệu người lâm vào trạng thái hoảng loạn, lo lắng, nghi ngờ, do dự và sợ hãi! Nhưng tôi lại thấy đây chính là một dịp tuyệt vời cho những người đã đi đến bước ngoặt để cố gắng làm quen với “cái tôi khác” trong họ.


Tất cả những ai mong muốn chuyện đó đều cảm thấy việc học được một bài học từ tự nhiên là việc hữu ích. Nếu quan sát, bạn sẽ thấy rằng các ngôi sao bất diệt hàng tối đều tỏa sáng ở vị trí quen thuộc của chúng, rằng mặt trời vẫn tiếp tục tỏa ánh sáng giúp Mẹ Trái đất sinh ra nguồn thực phẩm và “trang phục” dồi dào, rằng nước vẫn tiếp tục chảy xuôi, rằng chim chóc trên bầu trời và động vật hoang dã ở trong rừng vẫn nhận được nguồn thức ăn cần thiết, rằng sau một đêm nghỉ ngơi chúng ta sẽ có một ngày hữu ích, rằng sau mùa đông ủ rũ thì mùa hè sôi động lại đến, rằng các mùa trong năm sẽ vẫn đến và đi chính xác như trước khi Cuộc Đại suy thoái năm 1929 bắt đầu, rằng, trên thực tế thì chỉ có trí tuệ con người đã ngừng hoạt động như thường lệ và sở dĩ điều này xảy ra vì con người đã lấp đầy tâm trí mình bằng nỗi sợ hãi.


Tôi không phải là một nhà tiên tri nhưng với tất cả sự khiêm tốn cần có, tôi có thể dự đoán rằng mỗi cá nhân đều có sức mạnh để thay đổi tình trạng tài chính của mình bằng cách trước hết là thay đổi bản chất niềm tin của mình.


“Mỗi cá nhân đều có sức mạnh để thay đổi tình trạng tài chính của mình bằng cách trước hết là thay đổi bản chất niềm tin của mình.”


Ngay sau khi cuốn sách Think and Grow Rich - 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu ra đời, Napoleon Hill bắt đầu viết cuốn Chiến thắng Con Quỷ trong bạn. Qua những cuộc phỏng vấn với Con Quỷ, ông đã khám phá và tiết lộ cách Con Quỷ “tiếp cận” bạn và làm sao bạn có thể kích thích “cái tôi khác” trong bạn không chỉ để chiến thắng Con Quỷ trong chính cuộc đời của riêng bạn mà còn để trao quyền cho “cái tôi khác” đạt được những thành công vĩ đại nhất! Một chủ đề được xuất hiện nhiều lần xuyên suốt cuốn sách là tầm quan trọng của việc chuyển hóa những ý nghĩ sợ hãi trong bạn thành niềm tin.


Đừng nhầm lẫn giữa hai từ “niềm tin” và “mong muốn”. Hai từ này hoàn toàn không giống nhau. Ai cũng có thể “mong muốn” có những lợi thế về tài chính, vật chất hay tinh thần, nhưng yếu tố niềm tin là sức mạnh chắc chắn duy nhất mà từ đó một mong muốn có thể biến thành niềm tin và từ niềm tin sẽ biến thành hiện thực.


Và đây chính là thời điểm thích hợp để mọi người chú ý tới một lợi ích thật sự mà ai cũng có thể có được nếu thận trọng sử dụng niềm tin để tập trung chú ý vào bất cứ dạng mong muốn có tính xây dựng nào. Tâm trí sẽ hành động dựa trên mong muốn nào chiếm ưu thế hoặc được lặp lại nhiều nhất. Không có cách nào tránh được sự thật này. Nó là điều hiển nhiên. “Hãy thật cẩn thận khi dành cả trái tim mình cho điều gì đó, vì chắc chắn nó sẽ thuộc về bạn.”


Niềm tin là điểm khởi đầu của mọi thành công vĩ đại nhất


Nếu Edison chỉ dừng lại với mong muốn làm sao để đưa năng lượng điện vào sử dụng và làm sao để chiếc đèn có thể tự chiếu sáng thì sự tiện lợi cùng nền văn minh sẽ vẫn lẩn khuất giữa rất nhiều những bí mật của tự nhiên. Ông đã gặp hơn 10.000 thất bại tạm thời trước khi giành được bí mật này từ tay tự nhiên. Cuối cùng nó đã đầu hàng ông vì ông đã tin vào điều đó và ông không ngừng nỗ lực cho tới khi có được câu trả lời mình muốn.


Edison còn hé mở nhiều bí mật của tự nhiên (chúng có thể được coi là những “phép màu” vào thời kỳ trước) trong lĩnh vực vật lý hơn bất cứ ai khác trên đời này và sở dĩ chuyện đó xảy ra là vì ông đã trở nên quen thuộc với “cái tôi khác” của mình. Chính ông đã nói những lời này và dù tôi không có chúng trong tay đi chăng nữa thì những thành tựu của ông cũng đã chứng minh được cho điều đó.


Không có gì là không thể với những người hiểu biết và tin tưởng vào “cái tôi khác” của mình. Bất cứ điều gì một người tin là đúng thì họ sẽ có cách để biến điều đó thành sự thật.


Một lời cầu nguyện là một suy nghĩ được giải thoát, đôi khi được thốt lên thành lời và đôi khi được thể hiện trong thầm lặng. Chính tôi cũng từng nhận thấy rằng một lời cầu nguyện thầm lặng cũng có hiệu quả chẳng khác gì một lời cầu nguyện được nói thành lời. Tôi cũng đã quan sát được rằng trạng thái tâm trí chính là yếu tố quyết định khiến lời cầu nguyện trở thành sự thật hay không trở thành sự thật.


Quan niệm về “cái tôi khác” mà tôi đang cố gắng miêu tả chỉ đơn giản là một cách tiếp cận mới được khám phá để đến với Trí tuệ Vô hạn - một cách tiếp cận mà một người có thể kiểm soát và điều khiển thông qua quá trình trộn lẫn niềm tin với những suy nghĩ của người đó. Đó là một cách nói khác của câu nói rằng giờ đây tôi có niềm tin lớn hơn vào sức mạnh của việc cầu nguyện.


Trạng thái của trí tuệ được biết đến với tên gọi niềm tin - rõ ràng đã mở ra cầu nối với giác quan thứ sáu mà qua đó một người có thể giao tiếp với những nguồn sức mạnh và thông tin vượt trội hơn rất nhiều so với những gì năm giác quan còn lại có thể mang đến cho bạn. Với sự phát triển của giác quan thứ sáu, một sức mạnh lạ kỳ sẽ giúp đỡ bạn, thực hiện mệnh lệnh của bạn và hãy cứ để chúng tôi giả định rằng nó giống như một thiên thần hộ mệnh - người có thể luôn mở cánh cửa của Ngôi đền Thông thái cho bạn. “Giác quan thứ sáu” giống một phép màu hơn bất cứ điều gì tôi từng trải nghiệm và nó giống như vậy có lẽ vì tôi không hiểu phương pháp nguyên tắc này được vận hành như thế nào.


Nhưng tôi lại biết rất rõ điều này - rằng có một sức mạnh, một nguyên nhân cơ bản hay một Đấng tối cao nào đó lan tỏa khắp mọi nguyên tử của vật chất và vây bủa mọi đơn vị năng lượng có thể nhận thấy với con người, rằng Đấng tối cao này biến đổi từng hạt sồi thành những cây sồi, khiến nước chảy xuôi theo lực hút của Trái đất, hết đêm đến ngày, hết đông đến hè, mỗi sự vật đều có vị trí và mối quan hệ phù hợp với sự vật khác. Đấng tối cao này còn có thể giúp biến những mong muốn của một người thành những dạng vật chất cụ thể. Tôi biết được điều này bởi lẽ chính tôi đã từng làm thí nghiệm và tự mình trải nghiệm nó.


Nhiều năm liền, tôi có thói quen mỗi năm tự “kiểm kê” bản thân lại một lần, nhằm mục đích xem mình có bao nhiêu điểm yếu cần khắc phục hay loại bỏ và xác định xem mình cần có những tiến bộ nào trong suốt năm tới.


Đoạn về niềm tin này xứng đáng để bạn đọc vài lần bởi nó ẩn chứa những điều cốt lõi Napoleon muốn truyền tải về cầu nguyện. Trên quan điểm của mình, Napoleon Hill cho rằng niềm tin là “giác quan thứ sáu” hoặc sức mạnh tinh thần giúp một người thành công nếu người đó đang trong quá trình từng bước đến với nguyên nhân cốt lõi của mọi vấn đế - đây cũng là một trong những cách miêu tả của Napoleon Hill về Chúa. Đó là một niềm tin thực tế hay “khoa học” nhấn mạnh vào những kết quả xác thực.


Trong cuốn sách Cách mỏ vàng ba bước chân (Three Feet from Gold), tôi và người đồng sự của mình đã thảo luận về Công thức Thành công Cá nhân mà rõ ràng là nó đã cho thấy tầm quan trọng của niềm tin:


((P + T) x A x A) + F = Công thức Thành Công của bạn[21]


Việc kết hợp Đam mê với Tài năng của bạn và sau đó tìm kiếm Công ty phù hợp và có những Hành động đúng đắn là những thành tố rất quan trọng để dẫn đến Thành công... nhưng bạn chỉ có được điều đó khi bạn kết hợp tất cả những yếu tố đó với một Niềm tin mạnh mẽ với bản thân và nhiệm vụ của bạn, khi ấy, bạn đã thực sự có được Công thức Thành công của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn