Tràng An là một khu du lịch sinh thái nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. Tràng An vốn được gọi là thành Nam của kinh đô Hoa Lư xưa, nay là cố đô Hoa Lư. Tràng An với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm. Trong danh thắng này còn có nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi và các di tích gắn với lịch sử của kinh đô Hoa Lư.
Liên khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - cố đô Hoa Lư hiện được quy hoạch chung vào Quần thể danh thắng Tràng An, vốn là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa và kiến tạo địa chất và cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.Vị trí
Trung tâm bến thuyền Tràng An nằm cách cố đô Hoa Lư 3 km về hướng Nam, cách thành phố Ninh Bình 7 km theo hướng tây dọc đại lộ Tràng An, cách thị xã Tam Điệp 16 km theo hướng bắc qua Tam Cốc, cách Hà Nội 96 km theo hướng nam. Vùng lõi di sản Tràng An - Tam Cốc có diện tích hơn 6.172 ha, là vùng bảo vệ đặc biệt của danh thắng. Vùng bảo vệ đặc biệt này nằm trọn trong khu rừng đặc dụng Hoa Lư, thuộc quy hoạch bảo tồn cố đô Hoa Lư và cũng thuộc quy hoạch quần thể di sản thế giới Tràng An với diện tích 12.252 ha.
Trong quần thể danh thắng Tràng An, trung tâm cố đô Hoa Lư ở vị trí phía bắc, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động ở vị trí phía nam còn khu du lịch sinh thái Tràng An thì ở vị trí trung tâm. 3 khu vực này được liên kết với nhau bằng khu rừng đặc dụng Hoa Lư trên núi đá vôi và hệ thống sông, hồ, đầm.
-
Các di tích văn hóa
Thành Nam Tràng An là hệ thống phòng thủ phía Nam của kinh thành Hoa Lư nên nơi đây còn nhiều đền phủ, dấu tích của các quan lại triều Đinh và nhà Trần sau này. Tại đây còn khá nhiều di tích lịch sử mà du khách sẽ gặp trên chặng đường hành hương tiêu biểu như:
Đền Trình
Đền Trình là nơi thờ 2 công thần nhà Đinh là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù. Đương triều họ là 2 Giám sát Đại tướng quân cai quản kho vàng, két bạc của vua. Tương truyền, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình rối ren, họ đã mang giấu Đinh Toàn tại đây để tránh sự truy bắt của Lê Hoàn. Khi Thái hậu Dương Vân Nga trao mũ áo long bào nhường ngôi vua cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, hai ông đã không khuất phục và tuẫn tiết tại khu vực này, nhân dân đã xây dựng ngôi Phủ bên sườn núi để thờ hai ông.
Đền Tứ Trụ
Đền Tứ Trụ nằm cạnh đền Trình, là di tích thờ 4 vị đại thần nhà Đinh gồm Tể tướng Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thái sư Lưu Cơ và Thượng thư Trịnh Tú.
Sách Đại Nam Quốc sử Diễn ca cũng như thơ ca dân gian thường nói đến Tứ trụ "Bặc, Điền, Cơ, Tú" tức là bốn người trụ cột của triều nhà Đinh. Tứ trụ là 4 vị quan thân cận, cùng quê hương và cùng tuổi với Đinh Tiên Hoàng Đế, từng giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Các vị đại thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ hiện được thờ ở rất nhiều nơi, đặc biệt là vùng Hàn Mam - Nam Định - Ninh Bình.
Đền Trần
Đền Trần Ninh Bình do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng, sau này vua Trần Thái Tông về đây lập hành cung Vũ Lâm tiếp tục cải tạo bề thế hơn nên được gọi là đền Trần. Đền Trần là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam Hoa Lư tứ trấn. Đền còn có tên là đền Nội Lâm (ngôi đền trong rừng). Đền Trần Nội Lâm cùng với Vũ Lâm, Văn Lâm hợp thành Tam Lâm dưới triều đại nhà Trần. Lễ hội đền Trần Ninh Bình diễn ra vào ngày 18 tháng 3 âm lịch hàng năm, cùng với lễ hội cố đô Hoa Lư, lễ hội chùa Bái Đính là những lễ hội lớn ở Ninh Bình.
Phủ Khống
Phủ Khống nằm trên một dải đất hẹp, lưng tựa vào hang Khống, bên phải là dãy núi đá dựng đứng, trước mặt là thung lủng nước mênh mông. Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đình mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần. Cây thị nghìn năm tuổi mà quả có 2 loại: 1 tròn và 1 dẹt.
Các hang động tiêu biểu
Tràng An là một vùng non nước, mây trời hoà quyện. Đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi đá trùng điệp. Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài 2 km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây... Mỗi hang một vẻ đặc trưng như tên gọi, các hang có nhiều nhũ đá biến đổi, nước chảy ra từ trần hang làm không khí trong hang mát lạnh. Hang Tối có lòng hang rộng hẹp biến đổi bất ngờ. Hang Sáng long lanh với những nhũ đá óng ánh kỳ lạ. Hang Nấu Rượu và hang Cơm với truyền thuyết ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn. Trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10 m. Tương truyền, các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua, khi nạo vét lòng hang các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều bình gốm, hũ, vại và các dụng cụ để nấu rượu. Vòng qua hang núi Cơm, sang hang Vồng, ở đây có cây si cổ thụ rễ chùm cả miệng hang. Từ đây sang hang Láng, hang Ao Trai, giữa hang Ao Trai, lòng hang phình ra khoảng 30m. Hang động Tràng An có những nét đặc trưng nổi bật của một khu di sản với bốn loại hang động chính: Hang ngầm cổ, hang nền Karst cổ, hang mái đá và hang hàm ếch.
Trong quần thể danh thắng Tràng An có nhiều hang động được công nhận là di tích khảo cổ học, chúng đang được các nhà khoa học Anh tiến hành nghiên cứu như:
- Di tích hang Trống là hang động có nhiều di vật, dấu tích của người tiền sử từ 3.000-30.000 năm trước.
- Di tích hang Bói thuộc nằm giáp gianh giữa hai xã Trường Yên và Gia Sinh nơi đây có dấu ấn của cư dân cổ sống cách đây từ 5.000 năm đến 30.000 năm.
- Di tích Mái đá Thung Bình (Gia Sinh - Gia Viễn) xuất lộ dấu tích cư dân văn hóa Hòa Bình.
- Cụm di tích hang Mo; hang Cò; hang Trâu; hang Hũ Ngoài; hang Hũ Trong; mái đá Thung Bình có dấu ấn văn hóa Hòa Bình và văn hóa Đa Bút.
- Di tích mái đá Hang Chợ (Ninh Hải - Hoa Lư) có tầng văn hóa Hòa Bình cách đây trên 10.000 năm.
Hang Địa LinhHang Địa Linh là điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình xuất phát từ bến thuyền sông Sào Khê. Hang còn có tên là hang Châu Báu vì khi vào đây du khách sẽ có cảm giác như lạc vào kho báu của những nhũ đá hóa thạch. Ra khỏi cửa hang là một khung cảnh sơn thủy hữu tình của mây trời, núi non và sông nước. Hang dài 260 m với nhiều nhũ đá rủ xuống kì ảo.
Hang Nấu RượuTrong hang Nấu Rượu có mạch nước ngầm sâu hơn 10m, tương truyền xưa kia các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua.
Hang Ba Giọt
Hang Ba Giọt có nhiều nhũ đá với đủ màu sắc xuất hiện. Có loại gọi là cây bụt mọc xuyên từ trần ngược xuống. Điểm đặc biệt là các nhũ đá ở hang Ba Giọt không khô như những hang trước mà ướt đẫm và tiếp tục biến hình, hình thành nên những hình dáng, sắc thái mới...
Hang Sính, hang Si và hang Ba Giọt gắn liền với truyền thuyết một câu chuyện tình buồn. Xưa có chàng công tử yêu tha thiết một nàng công nương. Khi chàng gánh sính lễ đến hang Sính để cầu hôn thì nàng đã bị cống nạp cho nước láng giềng. Chàng sang hang Ba giọt tắm gội, sau đó ôm khối tình riêng trầm mình ở hang Si.
Tương truyền ai đi qua hang Ba Giọt mà đón được ba giọt nước từ nhũ đá nhỏ vào lòng bàn tay sẽ may mắn trong cuộc đời và hạnh phúc trong tình yêu.Hang Bói
Hang Bói là một di chỉ khảo cổ học có giá trị trong quần thể di sản thế giới Tràng An. Lối vào hang sâu thăm thẳm, rậm rạp với nhiều loài cây mọc ken dày, ánh nắng không thể chiếu xuống đất được nên con đường đầy rêu và thảm lá cây.
Hang Bói được phát hiện năm 2002. Lúc đó lòng hang có nhiều vỏ nhuyễn thể, xương động vật và một vài mảnh tước, bằng chứng cho thấy dấu ấn người tiền sử thuộc Văn hóa Hòa Bình sớm cách ngày nay khoảng một vạn năm. Các nhà nghiên cứu thống nhất đặt tên hang Bói vì nó ở trong khu thung Bói gắn với truyền thuyết vua quan nhà Trần từng gieo quẻ bói tại đây.
Từ năm 2007, khu này đã được các nhà cổ sinh, địa chất, khảo cổ của Việt Nam và Đại học Tổng hợp Cambridge- Anh quốc nghiên cứu khảo sát. Hố thám sát và cửa hang được rào kín bằng lưới sắt. Di chỉ khảo cổ học hang Bói gồm hai phần: hang trên rộng khoảng 200m2, hang dưới rộng 150m2. Từ cửa hang, phải cầm đèn pin lần theo cầu thang sắt cheo leo đi xuống.
Nhiều cột đá, măng đá lấp lánh như kim tuyến. Các nhà khoa học cho rằng nơi đây có dấu ấn người tiền sử cách nay 5.000 đến 30.000 năm. Nguồn thức ăn chính của người tiền sử là ốc núi, thủy sản sông suối, rùa núi, cua đá, chim thú nhỏ, các loại củ, quả, hạt... Chỗ ở của họ là hang đá, mái đá. Giới khoa học nhận định, dưới đáy hang có thể là một dòng sông cổ.
Tràng An trong thơ ca
Mùa đông năm Canh Dần (1770) chúa Trịnh Sâm đi tuần thú cõi Tây, lúc quay thuyền trở về, đi tắt tới đất Tràng An thăm cảnh Hoa Lư. Nhìn bốn phía núi xanh, nước biếc, cửa khoá mấy lần, từng bước đều là thành vàng và hào nước. Non sông hùng tráng, hình thắng to lớn. Xem dấu vết của triều Đinh mà lạnh lùng xơ xác… khiến ông cảm khái làm một bài thơ tạc lên vách đá hang Luồn để tả nỗi lòng:
- Quay thuyền về tới bến Trường Yên,
- Nhác thấy Hoa Lư cũng thuận miền.
- Như tấm lụa chăng, hang giội nước,
- Có từng núi mọc, cửa chồng then.
- Cố đô đã mấy hồi thay đổi,
- Thiên phủ còn nguyên dấu vững bền.
- Hưng phế xưa nay bao chuyện cũ
- Lòng dân đáng sợ chớ nên quên."
Sông núi Tràng An - Hoa Lư được miêu tả trong cuốn sử thi "Hoàn vương ca tích" như sau:
- Tiên triều đã đặt thế uy
- Thành xây thiên tạo lũy quy địa phù
- Hang thăm thẳm động âm u
- Hồ đi du đãng vượn đu vách rừng
Tràng An có nhiều đặc sản như quả thị đền phủ Khống, rượu Tràng An, cá tràu tiến Vua,... Đặc biệt, một đặc sản sông nước Tràng An là cá rô Tổng Trường đã đi vào ca dao của người dân cố đô:
- Khi đi nhớ cậu cùng cô
- Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường.
Khi tu hành ở đây, Trần Nhân Tông có bài thơ "Vũ Lâm thu vãn" được PGS- TS Trần Thị Băng Thanh dịch như sau:
- Lòng khe in ngược bóng cầu hoa
- Hắt sáng bờ khe vệt nắng tà
- Lặng lẽ nghìn non rơi lá đỏ
- Mây giăng như mộng tiếng chuông xa
Hành trình của du khách
Một phần của hang động Tràng An đã được Ninh Bình đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Hiện nay, Du khách đến Tràng An thường tham gia Tour du lịch bằng thuyền nan kéo dài 3 giờ, bắt đầu từ khu đón tiếp trung tâm nằm bên đại lộ Tràng An, qua các điểm du lịch:
- Bến đò - Đền Trình - xuyên hang Địa Linh - xuyên hang Tối - xuyên hang Sáng - xuyên hang Đền Trần - Đền Trần - xuyên hang Đền Trần chiều ngược lại - xuyên hang Si - xuyên hang Sính - xuyên hang Tình - xuyên hang Ba Giọt - xuyên hang Nấu Rượu - Phủ Khống - xuyên hang Phủ Khống - xuyên hang Trần - xuyên hang Quy Hậu - Bến đò (qua 12 hang khác nhau và 3 đền).
So với các khu du lịch lân cận có nét tương đồng như Tam Cốc - Bích Động chủ yếu là hình thức du lịch trên sông; khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long là du thuyền trên đầm sinh thái thì hang động Tràng An có nét đặc trưng riêng biệt là hình thức du thuyền trên các thung nước tạo bởi nhiều vách núi đá được nối thông nhau bằng những hang nước mà không phải quay ngược lại.
(Theo Wikipedia)