Mắt Thương Nhìn Đời

16 Tháng Tư 20153:31 CH(Xem: 4093)
52Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.33
Mắt Thương Nhìn Đời. Tác Giả: Orchid Thanh Lê

Sở làm của Hạnh chuẩn bị đóng cửa bốn tuần lễ. Hoạt động của hãng đang trên đà xuống dốc. Từ một năm rưỡi nay Hạnh đã phải nghỉ làm mỗi ngày thứ sáu trong tuần.

- Em không nhân dịp này về thăm lại Việt Nam thì chừng nào mới đi được nữa? Lần này anh để em đi chơi một mình, học khôn với người ta đấy.

- Em muốn chờ cùng đi với cha con anh.

- Con mình đang đi học, còn anh thì số ngày nghỉ phép không còn nhiều nữa.

Hạnh bất chợt tư lự:

- Về thăm quê nhà thì em mong từ lâu rồi. Nhưng bên em thì chẳng có ai dù ở Mỹ hay Việt Nam.

Mồ côi cha mẹ từ tấm bé, Hạnh được một phụ nữ không chồng có lòng nhân từ nhận về nuôi. Đến khi Hạnh có nghề nghiệp chưa kịp đền ơn dưỡng dục, bà mẹ nuôi đã ra đi sau một cơn bạo bệnh. Kết hôn với Bảo, Hạnh theo chồng sang Mỹ định cư. Số bạn bè bên Việt Nam mà Hạnh còn giữ liên lạc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hạnh chưa dám nghĩ đến chuyện về thăm lại quê hương trong suốt mười một năm qua. Phần bận con nhỏ, phần bận đi làm. Hơn nữa, khả năng tài chánh của vợ chồng Hạnh không mấy dư dả.

- Thì em thăm bạn bè, đi du lịch vài nơi trong nước.

- Vậy em đi mười ngày rồi trở qua với anh và con.

Tính vợ Bảo nhút nhát, giao tiếp bên ngoài thường dựa vào một người thân. Ngoại trừ đi làm là chuyện bắt buộc, bằng không Hạnh cũng chỉ dám một mình đưa đón con, đi chùa, đi chợ, rồi quanh quẩn dọn dẹp nhà cửa.

- Không bõ tiền vé máy bay. Em nên ở đó ít nhất ba tuần, rủ Vân hay Phụng bạn em đi chơi luôn.

- Nếu thế em đi hai tuần thôi. Tụi bạn em tuy còn độc thân nhưng cũng phải đi làm mà anh.

- Vậy cũng được. Con mình ngoan, đủ lớn để ở nhà một mình khi đi học về. Anh sẽ lo mọi chuyện để em yên tâm.

Trước ngày lên máy bay, Hạnh cho chồng biết kế hoạch của mình:

- Tuần đầu em sẽ ở khách sạn, Vân sẽ nghỉ phép đến ở với em.

- Còn tuần sau đó?

- Em sẽ về thăm lại trường cũ mình đã dạy, rồi trở lên lại Sài Gòn đến ở với Phụng vài ngày trước khi trở qua đây.

- Vậy em sẽ đi du lịch chỗ nào?

- Tùy hứng. Nhưng chắc chắn em sẽ đến vài nơi làm từ thiện, đó là niềm vui của em.

Bảo hiểu vợ xuất thân là con mồ côi, lúc nào cũng nghĩ đến người nghèo khó. Ở Việt Nam, lúc vợ chồng chưa lấy nhau, Hạnh ít khi nhận lời đi ăn tiệm, chỉ đơn giản là Hạnh nuốt món ăn một cách nghẹn ngào khi thấy cảnh tượng nhiều ông già bà lão lụm cụm đứng bán vé số quẩn quanh thực khách, vài đứa trẻ rách rưới đứng chực hờ đồ ăn dư. Sang đến Mỹ, Hạnh để dành toàn bộ số tiền kiếm thêm trong những giờ làm phụ trội cho mục đích từ thiện, mua được quần áo hạ giá thì hí hửng đem ra ngắm nghía mong có dịp đem về tặng bạn bè, đồng nghiệp khi xưa khốn khó như Hạnh.

- Thôi thì miễn là em làm được điều em thích. Anh đã để ra một số tiền cho chuyến đi của em. Nhớ xài cho hết chớ qua trở lại đây em sẽ không dám xài nữa đâu.

- Cám ơn anh hiểu em.

Vân, một bạn học cũ của Hạnh thời trung học, không mấy ngạc nhiên khi Hạnh chia sẻ kế hoạch làm từ thiện chỉ hai ngày sau khi trở lại Việt Nam.

- Hạnh sẽ đi thăm viện mồ côi?

- Không, Vân à. Viện mồ côi nhiều ít cũng có nguồn tài trợ nhất định. Hạnh muốn chọn ngẫu hứng vài trường hợp để giúp vì khả năng của mình có hạn.

- Thế thì mình chọn ba bệnh viện để giúp. Mình thử bệnh viện ung bướu trước, Hạnh nhé. Mình sẽ chuẩn bị 50 phong bì 100.000 đ?ng đem đến từng giường bệnh nhân.

Vân sốt sắng giúp Hạnh đổi ra tiền nhỏ, đặt vào mỗi phong bì, bỏ tất cả phong bì trong hai lượt túi ny-lông gói chặt. Để an toàn khi đi đường, Vân dấu gói tiền dưới yên xe gắn máy.

Đội mũ bảo hiểm, ngồi sau xe để Vân chở giữa dòng xe lạng lách ngoạn mục, Hạnh như lạc vào bát quái đồ đường phố. Có một đoàn người xếp hàng rồng rắn gần bệnh viện. Vân cho biết họ là những người nhà bệnh nhân chực chờ lãnh phiếu ăn mi?n phí c?a h?i T? Thi?n.

Ghé vào văn phòng bệnh viện hỏi thăm thông tin, Hạnh được yêu cầu ngồi chờ để nhân viên làm vài thủ tục cần thiết. Bệnh viện quá quen với hoạt động này nên cung cách họ làm việc nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ. Họ muốn biết Hạnh có thể trợ giúp bao nhiêu phần quà từ thiện nhằm tính toán phân chia tỷ lệ theo số bệnh nhân của từng khoa bệnh. Sau đó họ gọi điện thoại đến mỗi phòng ban qui định số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhất được nhận trợ giúp.

Nhân viên bảo vệ bệnh viện được gọi đến để hộ tống Hạnh và Vân đến từng khoa bệnh. Dọc đường đi, ngay cả chân cầu thang, tràn ngập cả bệnh nhân lẫn người nuôi bệnh. Dường như đã quen với hình ảnh đi cùng nhân viên bảo vệ là các nhà hảo tâm, họ lẽo đẽo chạy theo van vỉ, kể khổ xin tiền, nhân viên bảo vệ đôi khi phải lớn tiếng, xua tay dẹp lối.

Đến mỗi khoa bệnh, số bệnh nhân được chọn lựa để nhận sự trợ giúp thường là người mang bệnh trọng, đi đứng không dễ dàng nên người nhà bệnh nhân được ủy quyền lãnh thế với sự nhận diện của y tá để khỏi nhầm lẫn. Người thân của họ được đưa vào một phòng nhỏ chờ nhận tiền. Chỉ khi Hạnh và Vân phân phát xong và sang phòng ban khác thì họ mới được ra ngoài để tránh sự chạy theo.

Bần thần suốt buổi chiều còn lại trong ngày, Hạnh ưu tư với những hình ảnh mục kích tại bệnh viện.

- Ngày mai trước khi đến hai bệnh viện còn lại, Hạnh muốn quay trở lại chỗ mình đi sáng nay.

Vân chiều bạn, không hỏi thêm.

- Ừ, mai Hạnh thức dậy lúc nào thì đi lúc đó.

Ngày hôm sau, khi Vân từ khu để xe bệnh viện bước đến chỗ Hạnh đứng chờ, thấy Hạnh thẫn thờ.

- Có thể nào mình vô lấy lại xe đi đến hai bệnh viện còn lại không Vân?

- Hạnh thay đổi ý kiến rồi sao?

- Vân xem người đàn bà mặc đồ bộ bông cam ngồi dưới bóng cây sứ kìa. Hôm qua bà mặc quần đen áo chấm, nhất định vạch áo cho Hạnh xem bộ ngực nhầy nhụa bị ung thư, thống thiết khóc kêu xin giúp tiền vì bác sĩ cho biết bà sống không quá sáu tháng nữa.

- Vân nhớ rồi. Hạnh đã rơi nước mắt và trút hết mọi tiền trong túi ra đưa cho bà ta. Hai đứa mình suýt nữa không về được vì những người khác nhao ra xin đểu.

- Hôm nay trông bà ta hoàn toàn bình thường, không có gì là bệnh hết. Bây giờ bà ta đang ngồi trên chiếu bạc sát phạt với hai gã đàn ông.

- Đúng rồi! Mụ cười ngả nghiêng không đau đớn như hôm qua. Đồ lừa đảo!

- Bà ta không may mắn rồi, Vân ơi! Hạnh trở lại hôm nay chính vì muốn hỏi rõ hoàn cảnh để giúp bà ta thêm.

Con người ta nghĩ cạn thành ra kế chẳng sâu. Kế sâu cũng chưa hẳn kiếm lợi nhiều. Kế với lợi mắc lỡm nhau, sinh di căn ruỗng mục trong tâm người.

Hạnh thấy mình lạc lõng, không hoà nhập với những “đổi mới” ở một nơi mình đã từng sinh sống. Những điều “mới đổi” từ ngày Hạnh ra đi dường như tệ hơn trong cái nỗ lực hoá con người thành những công dân tốt của xã hội.

Những ngày tiếp theo sau, cảm xúc của Hạnh khi ghé đến hai bệnh viện còn lại không như buổi đầu tiên. Không chọn cách đến từng phòng ban gặp bệnh nhân tặng phong bì như đã thực hiện ở bệnh viện đầu tiên, Hạnh yêu cầu một danh sách các bệnh nhân quá nghèo không có đủ tiền cho toa thuốc đặc trị. Chọn mười trường hợp ngặt nghèo nhất, Hạnh giúp trả nợ tực tiếp vô tài khoản của bệnh viện. Xem như bệnh nhân khốn khó nào may mắn thì nhận tấm vé số trúng thưởng, thế thôi!

Nhắm mắt xua đi cái cảm giác bất lực trước nỗi khổ con người, Hạnh gắng nghĩ đến chuyến hành trình sắp đến khi về thăm lại trường cũ và đồng nghiệp. Những thân, quen từ nơi đó tưởng như sẽ được Hạnh ôm hết vào lòng khi tương ngộ.

Người anh rể tốt bụng của Vân cho mượn xe hơi và tài xế hỗ trợ chuyến đi xuống miền tây nơi Hạnh đã dạy học ở đó bốn năm.

Suốt đoạn đường hơn bốn tiếng không phải qua phà như ngày xưa, Hạnh ngồi trong xe ngắm cảnh trí hai bên đường đi, lòng mơ màng với kho ký ức trỗi dậy.

Ngày đó, nhiệm sở đầu tiên của Hạnh sau khi tốt nghiệp là ngôi trường huyện. Nam sinh đến trường trong đồng phục quần tây xanh áo trắng. Nữ sinh mộc mạc với áo dài trắng, quần dài đen, và chiếc nón lá. Đa số các trò phải thuyền đò cơm nắm đến trường mỗi ngày. Gia đình trò nào có điều kiện hơn thì sắm được chiếc xe đạp, đường xa chục cây số là chuyện thường. Một số trò ở nơi quá xa xôi thì đành cất chòi lá gần trường và trọ chung với nhau. Đến mùa sạ lúa, lớp học lèo tèo còn lại vài trò cư ngụ tại phố chợ, các trò khác nghỉ học bận rộn phụ gia đình cho kịp thời vụ.

Khu nhà ở của các thầy cô giáo là một dãy nhà lá ngay phía sau trường, ngăn chia thành nhiều phòng nhỏ. Ai có gia đình thì được căn chòi lá riêng. Qua vài mùa mưa, lá dừa lợp xơ xác, ban ngày nắng xuyên thủng. Gặp cơn mưa dầm dề, nước thấm nhỏ giọt, Hạnh phải liên tục di chuyển chiếc giường tre để tránh dột.

Nhớ hồi Hạnh mới về trường, chị Đẹt ghé ngang phòng, tự giới thiệu tên làm quen. Hạnh sợ mình nghe lầm, chào đáp lại:

- Em chào chị Đẹp.

- Không phải, tên chị là Đẹt. Hồi chị học bên Đại Học Cần Thơ, ông thầy gọi tên điểm danh, đến tên chị, thầy nói: “Chém chết cũng biết trò gốc vùng sâu vùng xa, đúng không Đẹt?”

Hạnh đã bật cười, quên đi nỗi cô đơn khi vừa đến chỗ mới. Tên chị hoàn toàn khác với diện mạo bên ngoài: chị cao dong dỏng, nước da bánh mật, miệng cười duyên má lúm.

Trước khi về lại thăm trường cũ, Hạnh gọi tổng đài điện thoại để nhờ liên lạc. Điện thoại được chuyền sang chị Đẹt, giờ đây đã lên chức hiệu phó, chị mừng rú:

- Trời, nhỏ Hạnh. Em về chơi hả? Bao giờ xuống đây?

Rồi chị huyên thuyên:

- Trường nhiều thay đổi lắm, Hạnh ơi. Người chuyển trường, người chết nhóc! Con Thùy chung phòng với em giờ theo chồng về Trà Cú, Lan Địa vẫn chưa có con, Hùng Văn chuyển lên làm ở Sở Giáo Dục, Hùng Sử nhậu xỉn lái xe đâm xuống ruộng chết ngắc!

Hạnh bồi hồi. Chữ “nhóc” là phương ngữ của người dân ở đó, lâu lắm mới được nghe lại.

Trường thời đó có một vài thầy, cô giáo trùng tên nhau vì vậy họ được hô gọi kèm với tên môn dạy để phân biệt. Hạnh còn nhớ có thầy Hùng Sử, thầy Hùng Văn, thầy Hùng Toán; có cô Lan Sinh, cô Lan Địa.

- Sống, chết, đổi, chuyển, lẽ thường tình mà chị Đẹt!

Tiếng người tài xế đưa Hạnh về thực tại:

- Cô ơi, qua chùa ông Hảo rồi sao nữa?

- Anh cho xe chậm lại, nếu chạy qua cầu đúc là lố đó.

Đây rồi. Điểm hẹn là nhà chị Đẹt đối diện với trường cũ Hạnh dạy. Lúc xưa chỉ là miếng đất ruộng vợ chồng chị mua để cuối năm tranh thủ trồng dưa hấu bán theo thời vụ tết. Miếng đất này bây giờ trở thành miếng đất vàng.

Theo lời tả, Hạnh nhận ra nhà chị ngay. Một phần ba miếng đất phía trước cho thuê trò chơi điện tử và bi-da. Phần còn lại gia đình chị Đẹt cất thành căn nhà bề thế không thua gì một nhà khá giả ở thành phố. Nhà chị Đẹt có phòng ốc hẳn hòi, chị chỉ cho Hạnh buồng vệ sinh lúc này được thiết kế trong nhà. Thời đó, người dân quê gọi đó là “cầu máy” để phân biệt với “cầu cá” ngoài trời là nơi duy nhất để đi vệ sinh thời Hạnh còn dạy học. Vậy là dân quê ở đây tiến bộ nhiều, họ đã chịu cất nhà với tiện nghi tối thiểu. Ngày trước, khi các thầy cô giáo địa phương ở trường huyện Hạnh dạy mà có dịp đi chấm thi ở trường thành phố, họ khổ sở và kêu “ngộp” khi phải dùng cầu máy.

Sau những cái tay bắt mặt mừng với khoảng chục đồng nghiệp cũ đã tụ họp sẵn ở nhà chị Đẹt, Hạnh đem quà tặng mọi người và hỏi thăm tình hình.

- Ngày xưa trường mình có số học sinh tốt nghiệp trung học cũng đáng kể nhưng đến khi thi vô đại học chẳng có trò nào đậu hết, bây giờ có khá hơn không?

Thầy Túc cười nhẹ:

- Vẫn vậy cô Hạnh à, nhưng có vài đứa vô được Cao Đẳng thì cũng giỏi lắm rồi.

Chị Tư kế toán kiêm thủ quỹ cho trường nay đã về hưu, tiếp lời:

- Ngay đến đậu Cao Đẳng trường tỉnh rồi mà vẫn có đứa muốn bỏ ngang vì nhà nghèo quá.

Hạnh chạnh lòng:

- Nếu đó là học trò chăm, ngoan, em sẽ bảo trợ cho suất học bổng để hoàn tất chuyện học.

- Vậy thì có nhóc trường hợp này, cô Hạnh à.

- Thôi được, cơm nước xong em sẽ hỏi chị Tư cụ thể.

Dưng không thinh lặng. Vài đồng nghiệp trao đổi cái nhìn với nhau. Nhỏ Thùy rụt rè:

- Học trò em cũng có trường hợp này nhưng ở miệt khác, chị Hạnh đồng ý bảo trợ không?

Thầy Lâm bạo dạn hơn:

- Cô Hạnh giúp hai suất học bổng cho lớp tui nha trong trường hợp tụi nó đậu kỳ này.

Chị Lan Sinh góp lời:

- Lớp chị cũng có trường hợp đó, Hạnh à.

Chị Đẹt nói xuôi rót:

- Hạnh nhắm tặng được bao nhiêu suất học bổng thì giao cho chị rồi chị tùy liệu mà phân phát.

Chị Lan Sinh tru tréo:

- Lớp tao là phải nhận riêng. Mày ỷ làm hiệu phó rồi lấn quyền hả?

Chị Đẹt nổi đóa, lớn tiếng:

- Bà thấy con Hạnh lớ ngớ nên dành phần ăn.

Chị Lan Sinh đứng phắt dậy, đỏ bừng mặt, ra vẻ muốn ăn thua. Những người còn lại cũng nhao nhao muốn tự giữ phần học bổng cho đám trò mình, phản đối chị Đẹt độc đoán. Trước sự thể bất ngờ, Hạnh líu quíu. Thầy Túc khoát tay dàn hòa:

- Cô Hạnh đi xa lâu mới có dịp về, ta nói chuyện thăm nhau cho vui.

Đâu rồi thuở còn hàn vi các đồng nghiệp đi chài, xúc mớ tép, lội sình hái mớ rau đem về chia sẻ cho nhau? Đồng tiền khiêu khích lòng tham con người, đè bẹp lòng tự trọng.

Hạnh lặng lẽ rút ngắn chuyến thăm trường cũ. Sẽ không đi đò thăm vườn cây trái, sẽ không ngồi xem quết bánh phồng, sẽ không tập sự gói bánh tét bông mai như trong dự tính hồn nhiên của Hạnh. Ngay cả chỉ cần băng qua con lộ để bước vào cổng trường, đi vòng ra phía sau xem lại khu nhà lá khi xưa mình đã ở, Hạnh cũng khất lần. Sau khi gửi lại số tiền bảo trợ học bổng mà đồng nghiệp xin cho đám học trò, Hạnh lên xe trở lại thành phố.

Trước lúc từ biệt, Hạnh do dự, tần ngần:

- Chị Đẹt à, ngay trước trường học mà có chỗ chơi điện tử và bi-da thì học sinh trốn học hết thôi.

Chị Đẹt chống chế:

- Thời buổi kinh tế thị trường mà Hạnh, em phải thông cảm. Lương anh chị làm sao đủ sống?

Nhỏ Ánh thư ký nói đâm hơi, nửa đùa nửa thật:

- Hạnh ơi, chị không nghe nói “phúc đức nơi nao, cầu ao dột nát” sao? Trường mình còn nhóc đứa như tụi em cần giúp nè.

Không màng đến câu nói khá sỗ sàng của Ánh, Hạnh nói cho hết ý, nói cho cạn lời, nói để rồi chẳng còn dịp để nói:

- Ánh à, ít ra em hay các chị ở đây đã có túp lều để nương thân. Còn những người mà chị muốn chia sẻ phần nào là những người cùng cực, sống vất vưởng, khốn khó hơn tụi Ánh bội lần.

Mọi người vụt im lặng. Không khí bỗng dưng chùng hẳn lúc từ giã. Bao lâu nay không gặp mặt nhau, mức độ thân tình làm sao tránh được phôi pha? Giờ đây lại không cùng ý hướng, khoảng cách giữa những con tim bị đẩy thêm xa vời vợi. Cái xiết tay tạm biệt tuy chặt nhưng không bảo đảm nối kết bền vững.

Bỏ lại sau lưng nỗi ngỡ ngàng về thực tế của ngôi trường xưa và đồng nghiệp cũ, Hạnh quay về thành phố nôn nao gặp lại Phụng, người bạn thời đại học.

Bạn bè quí mến Phụng, thêm cho Phụng biệt danh là “Xơ” (Soeur) vì Phụng theo đạo Công giáo, sống hướng thiện như một vị chân tu.

- Hạnh còn lại ít tiền trước khi về Mỹ, Phụng dẫn Hạnh đi làm từ thiện nhé.

- Phụng không rành về làm từ thiện, chỉ biết ít nhiều về công tác bác ái xã hội.

- Chậc, chỉ khác nhau cái tên do các tôn giáo khác nhau đứng ra tổ chức thôi, đúng không?

- Khác hẳn về mục đích nữa, Hạnh à.

Thấy Hạnh ngẩn ngơ, Phụng từ tốn giải thích cho bạn hiểu. Thì ra Hội nhân đạo mà Phụng tham gia chủ trương làm công tác bác ái xã hội thay vì từ thiện. Khác nhau ở chỗ từ thiện xuất phát từ một phía người hảo tâm giúp cho người nhận, mà không có sự tương tác, nghĩa là người nhận dùng tiền đó làm việc gì mình không biết, và giúp như vậy thi` không có kế hoạch lâu dài. Còn công tác bác ái xã hội mà Phụng tham gia là thành viên của một hiệp hội gồm 164 tổ chức quốc tế cứu trợ nhân đạo và phục vụ phát triển xã hội của giáo hội công giáo, nhằm giúp đỡ với định hướng lâu dài và có sự hợp tác với người nhận để họ biết sử dụng đúng mục đích tiền nhận được, nói nôm na là "cho cần câu nhưng không cho cá”.

Nghe xong, Hạnh phân vân.

- Nếu Hạnh muốn giúp trực tiếp một hoàn cảnh cá nhân nào đó thì sao?

- Phụng đọc báo cũng thấy nhiều hoàn cảnh bi đát, nhưng mình không có thì giờ để xác minh và nhiều chỗ xa Sài Gòn bất tiện cho việc đi lại. Vả lại nhiều câu chuyện trên báo sau này phanh phui ra mới biết, con bị ung thư được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ nhưng người mẹ dùng tiền đó mua I-phone nữa kìa.

Lúc này, Hạnh thực sự ngán ngẩm và mệt mỏi.

- Tệ quá, biết tin ai?

- Hạnh à, chắc ăn mình giúp qua tổ chức đã có uy tín là không sợ tiền sử dụng sai mục đích. Công ty Phụng làm cũng quyên góp từ nhân viên nhưng 1 năm chỉ đi 1 lần và mình đi trực tiếp chứ không gởi qua hội đoàn nào để cho nhân viên có dịp trải nghiệm việc bác ái. Ít ngày nữa Phụng có chuyến đi tiền trạm để khảo sát tình hình thực tế xem địa phương nào hợp tác được, tức là cho phép mình tổ chức trực tiếp không đưa qua chính quyền. Hạnh đi với Phụng nhé!

- Ngày kia Hạnh trở về Mỹ rồi. Thôi Phụng đem hết số tiền còn lại đóng góp vào quĩ nhân đạo của công ty để phục vụ chương trình theo kế hoạch dùm Hạnh đi.

Hôm ra phi trường trở về Mỹ, Hạnh ôm chặt Vân và Phụng nói lời từ biệt:

- Thu xếp qua Hạnh chơi nhé! Cám ơn tấm lòng của hai bạn!

Trong biển người đông chật, vẫn tìm thấy được người ở lại có tấm lòng. Người ra đi cũng có tấm lòng đó chứ! Tấm lòng hướng nội, Hạnh đã từng chắt chiu, mong đợi ngày về.

Ngồi trên máy bay cất cánh, Hạnh bâng khuâng nhìn qua khung kính nhỏ, cố thu lại một ấn tượng đẹp về nơi mình đã sinh ra và lớn lên để còn lấy cớ mà quay trở lại chốn này.

Giữ lại một ấn tượng đẹp xem chừng cũng khó. Hiện trong tầm nhìn của Hạnh là mặt đất như hình một tấm bản đồ với những mảng xanh cây cối, mảng cam của đất đai, rồi bỗng dưng bị phá bĩnh bởi những kiến trúc xây dựng ngang ngược vô hình chung đã chọc thủng không gian thiên nhiên vốn có. Tri thức cảm nhận vẻ đẹp của đất trời đang bị thôi miên bởi lòng tham. Lòng tham đánh gục nhân thế. Cái thiện quằn quại chưa ngóc đầu được.

Hồi tưởng lại trước khi hãng đóng cửa bốn tuần, ông Jerry, chuyên viên làm nhiệm vụ bảo trì máy móc, đã hỏi Hạnh:

- Cô dự định làm gì trong thời gian không làm việc?

- Tôi về thăm lại Việt Nam trong hai tuần.

- Làm gì ở đó?

- Thăm bạn bè, có lẽ làm chút ít từ thiện.

- Cô có muốn nghe lời nhắc nhở của tôi chăng?

Ông Jerry lấy vợ Việt, hiểu khá rõ văn hóa Việt. Giao tiếp với người Việt, ông dùng tiếng Việt-Anh ba rọi.

- Ông cứ nói.

- Một chữ cho cô đoán, đó là “bottomless”.

- Nghĩa là sao? Tôi không đoán nổi.

- “Lòng tham không đáy” chớ sao!

Hạnh thấy phiền lòng. Tự ái dân tộc nổi lên khi Hạnh nghe ông lập lại chữ “bottomless”. Ông nói tiếp:

- Điều này tôi kinh nghiệm từ người thân, bạn bè bên vợ tôi. Khi cô tặng quà, tiền hay giúp đỡ họ, họ cho là đương nhiên, ít được tiếng cám ơn. Bao nhiêu cũng chưa đủ. Họ muốn lấy thêm nữa.

- Bất cứ quốc tịch nào cũng có người dân với tính đó, Jerry à.

- Tùy cô, tôi nhắc chừng.

Nghĩ lại, lời ông Jerry nói không hoàn toàn sai.

Bước xuống máy bay, lấy hành lý ra ngoài, Hạnh thở phào nhẹ nhõm khi vừa thấy chồng và con gái đứng ngóng nơi đón thân nhân. Bảo ân cần đón hành lý nơi tay vợ:

- Máy bay đáp trễ làm anh lo quá.

Con gái ôm hôn, níu cổ mẹ thủ thỉ:

- Mẹ ơi, mẹ đi vui không? Ba nói với con là mẹ sẽ đem túi khôn về cho con đấy.

Con ơi, túi khôn ư? Mẹ đã bỏ lại Việt Nam rồi. Mẹ mang tấm lòng nặng trĩu trở về Mỹ. Ngẫm là quá đủ, thành thử ra mẹ chỉ mang túi không về thôi.

Orchid Thanh Lê
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn