Cây mận này, cứ năm nay có trái thì năm sau hổng có. Chẳng hiểu tại sao nữa :).
Năm đầu tiên (2013), Em cho trái nhiều lắm, ngọt thanh, mát lịm.... Ngon tuyệt vời. Đến hè 2014, đợi hoài, hổng thấy nụ hoa nào cả. Vây mà năm nay (2015), nụ, hoa khá nhiều, và mấy trái mận này là những trái đầu tiên cho năm nay đó. Đẹp và dễ thương quá phải không Bạn??? :)
Nói Cali. chứ có vùng lại trồng cây trái Việt Nam hổng được, như gia đình ông anh họ sống trên miền San Fransico có trồng- nhưng mà nó hổng lên, chứ đừng nói chi đến ra trái...
Ngày còn bé, nhà nội tôi trồng mận nhiều lắm, và đủ các loại: đỏ, xanh, trắng... nên mận là một trong những món trái cây mà tôi thích nhất...Ôi tuổi thơ với bao kỷ niệm không thể nào quên.....
Chia cùng Bạn chút hoài niệm và hạnh phúc bé nhỏ trong ngày.....
ViDieu/PhoVietNam
July 21, 2015
Huỳnh Hữu Cửu có viết "Ai Ơi Xứ mận Là Đâu?" như sau:
Ai Ơi Xứ Mận Là Đâu?
HUỲNH HỮU CỬU
Ai ơi xứ mận là đâu?
Xứ mận là xứ nào? Ở đâu? Có xa lắm không?
Nhưng trước hết phải nói mận là gì đã?
Mận là cây mận, trái mận.
Ở miền Nam Việt Nam gọi là cây mận, trái mận thì ở miền Bắc gọi là cây roi, trái roi.
Kể cũng buồn cười, cùng một thứ trái mà ở Việt Nam hai miền Nam, Bắc tên gọi khác nhau!
Như ở Sài Gòn gọi là bôm và xá lị thì ở Hà Nội gọi táo và lê.
Kẻ viết bài này lúc nhỏ ở Sài Gòn nghe gọi trái táo như vậy tưởng là thứ táo Tàu trái bằng ngón chân cái, da xanh, ở tiệm thuốc bắc có bán thứ đã phơi khô dùng bỏ trong thang thuốc để sắc. Còn lê thì tưởng là trái lê thỉnh thoảng được ăn, thứ trái có bà con họ hàng với mận. Trái lê này hình tròn cỡ cái trứng vịt, trái chín màu ngà đậm, ruột bộng rất lớn, nạc mỏng, ít nước, nhưng có cái đặc biệt là rất thơm ít có trái cây nào sánh bằng. Ngoài ra khi tác giả giả bài này đọc đến câu “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” trong truyện Kiều thì trong trí tưởng tượng chỉ có hình ảnh của trái lê ấy mà thôi, mãi về sau mới biết trái lê nói trong câu thơ là loại lê như lê Tàu (tức xá lị). Trái lê Tàu khác với lê Mỹ. Lê Tàu hình tròn như trái cam, còn lê Mỹ gọi là Pear thì đa số có hình cái chuông.
Trở lại nói về trái mận thì cũng có chuyện lầm lộn như vậy. Lúc nhỏ đọc tiểu thuyết trong bộ “Phổ Thông Bán Nguyệt San” xuất bản ngoài Bắc thấy có quyển “Cái Hột Mận” của Lan Khai thì cứ yên trí mận đó là trái mận mình vẫn thường ăn. Cứ yên trí như vậy đến vài chục năm sau mới biết mình đã lầm: Mận trong sách đó là mận ngoài Bắc, tức là trái chỉ có một hột ở Đà Lạt có trồng gọi là mận Đà Lạt và ở Mỹ thì gọi là plum! Thật là rắc rối, nhưng đó cũng là mắm muối của cuộc đời cho vui mà! (Và để cho rắc rối thêm, tác giả được biết trái mận của miền Nam thì ở miền Trung gọi là trái đào!)
Mận miền Hậu Giang ăn rất ngon, nước nhiều, ngọt, có điểm một chút vị chua, trưa buồn miệng có thể ăn hàng chục trái như chơi. Lá mận giống như lá xoài, vò nát có mùi thơm ngọt đặc biệt, ngửi một lần là biết ngay và sẽ nhớ mãi. Mận có nhiều thứ, nhưng thứ nào da cũng láng bóng như sáp, có thứ trắng như trứng gà luộc, thứ khác xanh lợt màu đọt chuối hay ửng hồng. Trái mận tròn, lớn hơn cái trứng gà một chút, bộng ruột, trong có vài cái hột lớn bằng hột đậu phộng. Một loại mận khác có eo ở giữa và phình rộng phía dưới như trái lê Mỹ, gần như đặc ruột, chỉ có vài cái hột li ti nhở hơn hột tiêu. Đó là thứ mận ngon nhứt.
Còn nhớ lúc nhỏ kẻ này ở Xóm Giá gần chợ Cái Răng nhà có trồng một cây mận ngay dưới bến sông phía trước. Trưa đi học về là leo tót lên ngọn cây chuyền từ nhành này sang nhánh nọ lựa hái những trái mận thật chín rồi ở luôn trên cây ăn hàng giờ. Nhánh mận khá dẻo dai, có thể leo lên những nhánh nhỏ để bò ra tận ngoài rìa mà không sợ gãy. Cây mận ấy là loại mận trắng đặc ruột, rất ngọt, một cây có hàng mấy trăm trái mọc thành chùm sai oằn. Có khi bà dì ở nhà biểu hái xuống cả rổ để ăn với nước mắm đường. Những buổi trưa trời nóng bức mà ăn như vậy thì thật là tuyệt. Nước mắm thì lấy thứ nước mắm nhĩ Phú Quốc, rót cho độ gần nửa tô, trong đó đã để sẵn vài cục đường thẻ. Đoạn bẻ nửa trái ớt sừng trâu chín đỏ bỏ vào, rồi dùng cái muỗng sắt giầm cho đường thẻ và ớt nát ra để tất cả thành một thứ nước chấm sền sệt. Thế rồi chỉ còn việc ăn: Tưởng tượng cấm lấy trái mận bóp mạnh giữa gò hai bàn tay cho bể tách ra nghe một tiếng “bụp”, đoạn cầm lên một miếng, lấy móng tay khều hết mấy cái hột cho sạch ruột, rồi dùng miếng mận ấy như cái muỗng để múc lấy nước mắm đường và cho tất cả vào miệng. Mận ăn buổi trưa như vậy thật là thú vị: nạc trái mận giòn, cắn một miếng thì nước mận tươm đầy miệng, vừa chua, vừa ngọt, lại vừa mát, trong lúc đó vị mặn đằm thắm và đậm đà của nước mắm đường cùng với cái cay cay, thơm thơm và nồng nồng của ớt phụ họa và đã làm cho miếng mận ngon hẳn lên gấp bội!
Cho đến nay ở xứ Mỹ đã mười tám năm rồi tác giả vẫn không thấy có bán trái mận. Nhớ quê hương, nhớ mận thì chỉ biết trồng một loại mận kiểng mà người Mỹ nhiều khi trồng làm hàng rào. Mận kiểng này lá nhỏ bằng đầu ngón tay, trái cũng nhỏ như vậy, màu đỏ huyết dụ (syzygium paniculatum), ăn cũng có mùi vị như mận bên nhà. Tại vườn bán cây trái hoa kiểng Mimosa ở Anaheim California có đủ cả các loại cam, quít, ổi, bưởi Biên Hòa tuy nhiên chưa có cây mận. Nhưng tìm mãi để sau cùng cũng mua được một cây mận quí vị ạ, của một bà người Việt Nam có chồng Thái Lan bán. Bà ấy nói phải giấu đêm hột từ Thái Lan qua mới có để ương, và bảo đảm giống hệt mận Hậu Giang. Nhưng phải chờ độ hai năm nữa mới biết, vì cây mận hiện giờ thân cây chỉ lớn hơn chiếc đũa một chút và mới chỉ có tám cái lá!
Đến đây nói dông dài cũng đã nhiều, vậy xin trở lại câu “Ai ơi xứ mận là đâu?”. Và xin nói ngay rằng những điều sẽ nói ra trong câu trả lời sau đây có liên quan đến đạo Phật đó, thưa quý vị.
Trước hết theo từ điển Phật Học của Đoàn Trung Còn thì khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn là Thái Tử Tất Đạt Đa, Ngài đã ra ngoài Hoàng thành đến một làng quê và ngồi thiền lần đầu tiên dưới một gốc cây Jambu. Jambu là tiếng Phạn, dịch âm là Diêm Phù. Cây Jambu hay Diêm Phù là cây gì? Chắc quý độc giả đã đoán biết rồi: đó là một loại cây thuộc giống mận, thưa quý vị.
Tiếng Ấn Độ, tiếng Mã Lai và tiếng Nam Dương gọi trái mận là Jambu. Ở Singapore, trái mận cũng gọi là Jambu, kẻ này đã đến đó và mua ăn được trái mận cách đây vài năm, một trái chẻ làm ba đựng trong bao ny lông ướp lạnh giá bán tương đương là một Mỹ Kim.
Tiếp theo đây, xin quý vị độc giả đọc vài dòng về những tên khoa học của trái mận nhé, tuy nhiên nếu thấy khô khan quá thì xin lướt qua cho.
Từ điển Phật Học của Đoàn Trung Còn ghi Jambu là Diêm Phù, dịch ra tiếng Anh là Rose Apple.
Theo quyển “Fruit, A Connoisseurs Guide and Cook Book” của Alan Davidson, một nhà khảo cứu về các thứ trái cây trên thế giới, thì từ ngữ Rose Apple không được rõ ràng vì được dùng để chỉ bất cứ trái nào trong bốn thứ trái sau đây:
Syzygium jambos, hay Rose Apple, tức trái lê ở Nam Việt Nam đã nói ở trên. GS. Phạm Hoàng Hộ, tác giả bộ "Cây Cỏ Việt Nam" gọi là trái lý hay bồ đào, để tránh lẫn lộn với trái lê Tàu hay lê Mỹ.
Syzygium aquea (hay Syzygium Javanica) hay Water Rose Apple hoặc Water Apple. G.S Phạm Hoàng Hộ gọi là trái mận và là trái mận nói trong bài này.
Syzygium malaccense tức trái điều đỏ
Syzygium smarangense cũng là một thứ mận, theo G.S Phạm Hoàng Hộ.
Tất cả những trái vừa kể thuộc giống Syzygium. Tên cũ của Syzygium là Eugenia. Theo Stirling Macoboy, tác giả quyển "What Tree Is That?" thì gống Syzygium còn có một tên cũ khác nữa là Jambos.
Tóm lại, Diêm Phù là dịch âm chữ Jambu, tiếng Anh là Rose Apple, mà Rose Apple có thể là trái mận hay ít ra cũng là một thứ trái cùng một giống với Syzygium hay Jambos.
Trở lại nói về trái mận, về cây mận trong đạo Phật. Nguyên thuở xưa, vì ở Ấn Độ có nhiều cây Diêm Phù nên cả xứ Ấn Độ được gọi là Diêm Phù Đề. Diêm Phù Đề là dịch âm của chữ Jambudvipa (Jambu = Diêm Phù, Dvipa hay Dipa = Đề, có nghĩa là đảo, châu). Về sau tên Diêm Phù Đề lại được dùng rộng ra để chỉ luôn cả trái đất. Trong các kinh sách đạo Phật, thỉnh thoảng thấy có nói đến cõi Diêm Phù Đề tức là trái đất mà loài người đang ở vậy.
Ngoài tên Diêm Phù Đề, trái đất còn có một tên khác cũng bắt nguồn từ chữ Jambu. Nguyên chữ Jambu còn được dịch âm là Thiệm Bộ, và trái đất còn được đặt tên là Thiệm Bộ Châu tức là Jambudvipa như đã nói trên.
Sau đây xin nói rõ thêm một chút về Thiệm Bộ Châu. Theo Đạo Phật, nói một cách rộng lớn thì loài người chúng ta sống ở một thế giới gọi là thế giới Ta Bà. Thế Giới Ta Bà là một Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới tức gồm có một tỉ tiểu thế giới. Và nói một cách thu hẹp và chính xác hơn thì loài người chúng ta sống trong một tiểu thế giới của thế giới Ta Bà. Tiểu thế giới của chúng ta gồm có một cái biển lớn, chính giữa có một ngọn núi cao gọi là núi Tu Di. Trên biển ở về bốn hướng có bốn vùng đất gọi là bốn châu. Loài người chúng ta ở trên châu về hướng Nam, châu này có tên là Thiệm Bộ Châu. Ba châu kia là: Hướng Bắc: Cu Lư Châu, hướng Đông: Thắng Thần Châu, hướng Tây: Ngưu Hóa Châu. Vậy Thiệm Bộ Châu là trái đất của chúng ta. Từ mặt đất trở lên có 28 từng trời, và trở xuống thì có những lớp địa ngục, ở lớp sâu nhất là địa ngục A Tỳ...
Nhưng đến đây cũng xin mở một dấu ngoặc để nhắc lại rằng tuy đạo Phật có nói đến cõi Diêm Phù Đề, Thiệm Bộ Châu, núi Tu Di, 28 tầng Trời và địa ngục A Tỳ, nhưng đó là nói khi chúng ta còn ở trong vòng tương đối, vô minh và sanh tử luân hồi. Đối với người đã giác ngộ như Đức Phật Thích Ca thì tất cả những cái vừa kể đều không thật có, đều không có những thực thể riêng biệt. Tất cả những cái đó, cho đến chính chúng ta và cây cỏ núi sông trước mắt đều không thật có mà chính là Tự Tánh, Tánh Không hay là Không.
Để kết luận, mận là một thứ trái ngon, ở miền Nam Việt Nam có nhiều, ở miền Bắc gọi là trái roi, miền Trung gọi là trái đào. Cây mận có thể nói là một loại cây linh vì có liên quan khá mật thiết với Đạo Phật và nếu nói xứ mận là Hậu Giang, miền Tây hay là nước Việt Nam của chúng ta thì cũng đúng, nhưng theo Đạo Phật, phải nói Mận là luôn hết quả đất, tức Diêm Phù Đề hay Thiệm Bộ Châu thì mới thật là đúng hơn cả:
Ai ơi xứ mận là đâu?
Diêm Phù, quả đất, Thiệm Châu đó mà!
Nguồn saigontimeusa