Giới nhân sĩ kêu gọi Quốc Hội CSVN rút ‘Luật Đặc Khu’ trong vô vọng

04 Tháng Sáu 20181:23 CH(Xem: 2421)
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
54

Đến hôm 3 Tháng Sáu, đã có khoảng 300 nhân sĩ, trí thức ký vào bản “khẩn thiết kêu gọi” toàn thể “đại biểu quốc hội” phản đối, rút bỏ Dự Luật Đơn Vị Hành Chính-Kinh Tế Đặc Biệt (Luật Đặc Khu).

Trong danh sách này, người ta thấy có những nhân vật thường hiện diện trong các bản lên tiếng phản ứng trước một số quyết sách “không được lòng dân” của chính quyền: Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Huỳnh Kim Báu, Nguyễn Huệ Chi, Tương Lai, Nguyễn Đình Đầu, Lê Công Định, Kha Lương Ngãi, giám mục Nguyễn Thái Hợp…

Văn bản nêu trên viết: “Nhiều phát ngôn, bài viết rất tâm huyết về Luật Đặc Khu của nhiều chuyên gia đã được công bố trên các báo, mạng, nhưng công luận đang đặc biệt quan tâm là các đặc khu kinh tế định thành lập (hoặc đã có từ trước) đều nằm ở các vị trí hiểm yếu, là trọng điểm an ninh quốc phòng của đất nước.”

“Ba đặc khu định thành lập thì Vân Đồn chỉ cách Hải Nam 200 hải lý, Vân Phong gần với cảng Cam Ranh và Phú Quốc là đảo lớn nhất trấn giữ phía cực Nam của tổ quốc.”

“Nhượng đất” hay “nhượng địa” là phần đất đai của quốc gia do ngoại bang làm chủ. Đấy là bán nước từng phần, phải vậy không? Ai trong ban lãnh đạo đang nắm quyền lực đã toan tính gì khi đưa ra quốc hội dự luật nhiều sơ hở đó? Người Việt với kinh nghiệm lịch sử nghìn năm chống Bắc thuộc đòi phải cương quyết bác bỏ ngay dự luật “nhượng chủ quyền từng phần” nói trên.”

Không khó để dự đoán chính quyền CSVN sẽ không có bất kỳ phản hồi nào trước bản lên tiếng về Luật Đặc Khu của các nhân sĩ có tên trong văn bản. Bởi hầu hết trong số những người này đều được chính quyền xem là tiếng nói đối lập, thậm chí là “phe phản động” nên họ thường xuyên bị ngăn không cho ra khỏi nhà mỗi khi trên mạng xã hội có lời kêu gọi xuống đường.

Đến nay, cũng không có chỉ dấu nào cho thấy các “đại biểu quốc hội” sẽ “bất tuân” lệnh từ Bộ Chính Trị CSVN để bác dự luật bị cảnh báo là dọn đường cho Trung Quốc nắm giữ ba vị trí đắc địa của Việt Nam.

Trong bài công bố trên trang Viet-Studies mới đây, ông Nguyễn Quang Dy, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, viết: “Nếu đặt câu chuyện ba đặc khu kinh tế này trong bối cảnh xung đột lợi ích Biển Đông và tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện nay, thì yếu tố Trung Quốc trong bức tranh địa chiến lược hiện lên rất rõ. Bản chất của các đặc khu Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong, chủ yếu là sân chơi địa ốc và cờ bạc. Ngay khi vừa mới bàn đến triển vọng thành lập đặc khu thì người ta đã đổ xô đến chiếm đất để đầu cơ và đẩy giá lên rồi, vậy cần thành lập đặc khu làm gì nữa.”

“Muốn Vân Phong trở thành một cảng trung chuyển thì không nhất thiết phải lập đặc khu. Đầu tư địa ốc thực chất cũng chỉ là đầu cơ để để trục lợi ngắn hạn. Yếu tố chính để thu hút đầu tư là một số ưu đãi để lách luật, trốn thuế, hay rửa tiền. Nhưng nếu thu hút đầu tư bằng mọi giá, thì cái giá phải trả cũng sẽ rất lớn. Muốn phát triển bền vững, phải cải tổ thể chế để hội nhập quốc tế theo các tiêu chuẩn chung đã cam kết thông qua các hiệp định như WTO, BTA, FTA (và CPTPP),” ông Quang Dy viết.

“Tuy đảng CSVN lãnh đạo ‘toàn diện và triệt để,’ nhưng quốc hội cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Đây là lúc đại biểu quốc hội và quan chức chính phủ cần suy xét kỹ và quyết định nên chọn cái gì (như nên ‘chọn cá hay thép’). Nếu quyết định đúng họ sẽ được hậu thế hàm ơn. Nếu quyết định sai họ sẽ bị hậu thế nguyền rủa (dù có cao bay xa chạy)…,” theo bài của ông Quang Dy. (T.K.)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn