Chương 6: Nhịp Điệu Thôi Miên

15 Tháng Mười 201812:45 CH(Xem: 4310)
568Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
568

Chiến Thắng Con Quỷ Trong Bạn

Chương 6: Nhịp Điệu Thôi Miên


H: NGƯƠI ĐÃ SỬ DỤNG QUY LUẬT HUYỀN BÍ NÀO để vĩnh viễn kiểm soát cơ thể của con người, thậm chí cả trước khi ngươi kiểm soát tâm trí họ? Cả thế giới sẽ muốn biết nhiều hơn về quy luật này và cách nó vận hành như thế nào.


Đ: Sẽ rất khó giải thích cho ngươi hiểu nổi về quy luật đó, nhưng ngươi có thể gọi nó bằng cái tên “nhịp điệu thôi miên”. Đó cũng chính là quy luật sẽ khiến nhiều người bị thôi miên.


H: Vậy tức là ngươi có sức mạnh để sử dụng các quy luật tự nhiên như một cái mạng nhện mà ở đó, ngươi có thể trói các nạn nhân của mình trong sự kiểm soát vĩnh hằng. Đó có phải là điều ngươi muốn nói không?


Đ: Đó không chỉ là điều ta muốn nói mà đó là sự thật. Ta kiểm soát cả tâm trí lẫn cơ thể họ thậm chí ngay từ khi họ còn sống bất cứ khi nào ta có thể cám dỗ họ hay khiến họ sợ hãi mà lạc vào nhịp điệu thôi miên.


H: Nhịp điệu thôi miên là gì? Ngươi sử dụng nó để kiểm soát con người vĩnh viễn như thế nào?


Đ: Ta sẽ đi ngược thời gian và không gian để khiến ngươi có được hình dung sơ đẳng nhất về cách tự nhiên đã sử dụng nhịp điệu thôi miên như thế nào. Nếu không thì ngươi sẽ không thể hiểu được cách diễn tả của ta về việc ta đã sử dụng quy luật phổ biến này như thế nào để kiểm soát con người.


H: Hãy tiếp tục đi, nhưng câu chuyện của ngươi phải được giới hạn trong những minh họa đơn giản và nằm trong phạm vi những gì chính ta đã trải nghiệm và kiến thức về các quy luật tự nhiên của ta.


Đ: Tốt thôi, ta sẽ cố gắng hết sức trong khả năng của mình. Tất nhiên là ngươi biết rằng tự nhiên duy trì sự cân bằng hoàn hảo giữa mọi nguyên tố và mọi nguồn năng lượng trong vũ trụ. Ngươi có thể nhận thấy rằng các ngôi sao và các hành tinh chuyển động với sự chính xác hoàn hảo, mỗi một hành tinh hay ngôi sao đều giữ đúng vị trí và không gian của nó. Ngươi có thể thấy rằng các mùa trong năm đến rồi lại đi với sự đều đặn hoàn hảo. Ngươi có thể thấy rằng cây sồi lớn lên từ hạt sồi và một cây thông sẽ lớn lên từ hạt giống của tổ tiên nó để lại. Một hạt sồi không bao giờ sinh ra một cây thông và một hạt thông cũng không thể phát triển thành một cây sồi.


Đó là những thứ đơn giản mà ai cũng có thể hiểu được, còn điều mà mọi người không thấy được chính là quy luật phổ biến mà nhờ đó tự nhiên mới duy trì được sự cân bằng hoàn hảo của nó xuyên suốt cả vũ trụ bao la rộng lớn này.


Loài người các ngươi đã nắm bắt được một ý niệm chắp vá về quy luật phổ biến vĩ đại này khi Newton phát hiện ra rằng chính quy luật đó đã giữ Trái Đất ở đúng vị trí của nó và khiến tất cả các vật chất đều bị hút xuống trung tâm của Trái Đất. Ông ta gọi nó là Định luật hấp dẫn.


Nhưng ông ta chưa đi đủ xa trong việc nghiên cứu về quy luật này. Nếu ông ta làm vậy, ông ta đã khám phá ra rằng chính quy luật giữ Trái Đất của các ngươi ở đúng vị trí của nó và duy trì sự cân bằng hoàn hảo suốt bốn mùa trong năm - trong đó bao gồm mọi vật chất và mọi nguồn năng lượng - chính là cái mạng nhện giúp ta giăng bẫy và kiểm soát tâm trí của con người.


H: Ngươi hãy nói cho ta biết nhiều hơn về quy luật đáng kinh ngạc về nhịp điệu thôi miên đi.


Đ: Như ta đã nói rồi, có một dạng năng lượng chung giúp tự nhiên giữ được trạng thái cân bằng hoàn hảo giữa mọi vật chất và mọi nguồn năng lượng. Nó giúp mọi vật chất trong vũ trụ có những cách sử dụng riêng biệt bằng cách phá vỡ chúng thành nhiều bước sóng khác nhau. Quá trình phân tách đó được thực hiện thông qua thói quen.


Ngươi sẽ hiểu rõ hơn những gì ta đang muốn nói nếu ta so sánh nó với phương pháp mà một người sử dụng để học nhạc. Trước hết, phải ghi nhớ các nốt nhạc vào tâm trí mình. Và sau đó chúng có liên hệ với nhau qua giai điệu và nhịp điệu. Nhờ việc lặp đi lặp lại, giai điệu và nhịp điệu trở nên cố định trong tâm trí của người đó. Hãy quan sát xem người nhạc công phải không ngừng lặp lại một giai điệu như thế nào trước khi anh ta có thể làm chủ được nó. Nhờ việc lặp đi lặp lại đó mà các nốt nhạc hòa quyện với nhau và sau đó, các ngươi mới được thưởng thức âm nhạc.


Bất cứ suy nghĩ bất chợt nào được tâm trí lặp đi lặp lại qua các thói quen đều tạo nên một nhịp điệu có tổ chức. Các thói quen không mong muốn có thể bị phá vỡ. Chúng phải được phá vỡ trước khi chúng chiếm được một tỷ lệ nhất định trong nhịp điệu đó. Ngươi có hiểu những gì ta nói không?


H: Có.


Đ: Chà, tiếp tục nhé, nhịp điệu là bước cuối cùng của thói quen! Bất cứ suy nghĩ hay hoạt động thể chất nào được lặp đi lặp lại qua nguyên tắc thói quen cuối cùng cũng sẽ chiếm được một tỷ lệ nhất định trong nhịp điệu.


Sau đó thói quen sẽ không thể bị phá vỡ bởi tự nhiên đã tiếp quản nó và khiến nó trở nên cố định. Nó giống như vòng xoáy ở dưới nước vậy. Một vật có thể cứ nổi dập dềnh mãi cho đến khi nó bị cuốn vào một vòng xoáy. Sau đó nó cứ quay tròn mà không thể thoát ra được. Năng lượng mà mọi người dùng để suy nghĩ có thể được so sánh với nước trên một dòng sông.


H: Vậy đó chính là cách ngươi chiếm quyền kiểm soát tâm trí của con người, có đúng không?


Đ: Đúng vậy. Tất cả những gì ta cần làm để kiểm soát tâm trí của bất cứ người nào là khiến họ trở nên buông thả.


H: Có phải ta nên hiểu rằng thói quen buông thả chính là mối nguy hiểm chính khiến con người mất đi quyền lợi hay đặc quyền để tự suy nghĩ và định hình nên các mục tiêu của mình không?


Đ: Đúng vậy, và còn nhiều hơn thế nữa. Buông thả cũng là thói quen ta dùng để chiếm đoạt tâm hồn con người sau khi họ chết nữa.


H: Có nghĩa là cách duy nhất để cứu con người khỏi sự hủy diệt vĩnh viễn là duy trì sự kiểm soát đối với chính tâm trí của mình khi còn sống. Có đúng không?


Đ: Ngươi đã nói hoàn toàn chính xác rồi đấy! Những người biết kiểm soát và biết cách sử dụng trí tuệ của chính mình đều thoát ra khỏi mạng nhện của ta. Những người còn lại đều bị ta tóm gọn, điều này hiển nhiên như thể Mặt Trời luôn lặn ở đằng Tây vậy.


Con Quỷ nói rằng: “Những người kiểm soát và biết cách sử dụng trí tuệ của chính mình đều thoát ra khỏi mạng nhện của ta.”


H: Có phải đó là tất cả những gì cần làm để thoát khỏi việc bị hủy diệt vĩnh viễn? Không phải ngươi đã nói rằng kẻ thù của ngươi có thể làm gì để cứu rỗi con người hay sao?


Đ: Ta thấy rằng tư duy của ngươi rất sâu sắc đấy. Kẻ thù của ta - sức mạnh mà con người các ngươi vẫn gọi là Chúa trời ấy - làm mọi thứ để cứu con người khỏi sự hủy diệt vĩnh viễn và chính vì lý do đó kẻ thù của ta chính là người mang đến cho con người quyền sử dụng trí tuệ của chính mình.


Nếu ngươi sử dụng sức mạnh đó bằng cách duy trì sự kiểm soát với chính tâm trí của ngươi, ngươi sẽ trở thành một phần của nó khi ngươi chết đi. Nhưng nếu ngươi không chú ý đến việc sử dụng nó, ta sẽ có quyền lợi dụng sự bỏ bê đó thông qua quy luật của nhịp điệu thôi miên.


H: Khi đã kiểm soát được một người, ngươi chiếm được bao nhiêu phần trong con người đó?


Đ: Mọi thứ còn lại sau khi anh ta ngừng kiểm soát và sử dụng tâm trí của chính mình.


H: Nói cách khác, khi kiểm soát được một người, ngươi chiếm đoạt tất cả những gì thuộc về cá nhân anh ta cho đến thời điểm anh ta không sử dụng tâm trí của mình nữa. Có đúng như vậy không?


Đ: Đó chính là cách làm việc của ta.


H: Ngươi sẽ làm gì với những người dưới quyền kiểm soát của ngươi khi họ chưa chết? Hay họ có ích gì cho ngươi khi họ vẫn còn sống?


Đ: Ta sử dụng họ - hay những gì còn lại của họ sau khi ta chiếm đoạt họ - như những nhà tuyên truyền giúp ta đặt nền móng để lôi kéo những người khác cùng buông thả theo.


H: Ngươi không chỉ lừa gạt người khác tự hủy hoại khả năng kiểm soát tâm trí của mình mà còn lợi dụng họ giúp ngươi gài bẫy những người khác sao?


Đ: Đúng vậy, ta không bao giờ bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào cả.


H: Chúng ta hãy quay trở lại chủ đề nhịp điệu thôi miên. Hãy nói cho ta biết nhiều hơn về hoạt động của quy luật này. Hãy cho ta thấy cách ngươi sử dụng các cá nhân để giúp ngươi đoạt được quyền kiểm soát tâm trí của những người khác. Ta muốn biết vài phương pháp sử dụng nhịp điệu thôi miên hiệu quả nhất của ngươi.


Đ: Ồ, dễ thôi! Điều ta thích nhất là lấp đầy tâm trí của con người bằng nỗi sợ hãi. Một khi ta đã lấp đầy được tâm trí của một người bằng nỗi sợ hãi, ta có thể dễ dàng khiến người đó buông thả cho đến khi ta kéo người đó vướng vào mạng nhện của nhịp điệu thôi miên.


H: Nỗi sợ hãi nào của con người giúp ích cho mục đích của ngươi nhất?


Đ: Nỗi sợ chết.


H: Tại sao nỗi sợ chết lại là vũ khí ưa thích nhất của ngươi?


Đ: Bởi không có ai biết, và theo bản chất vô cùng căn bản của quy luật vũ trụ, không ai có thể chứng minh chắc chắn rằng điều gì sẽ xảy ra sau khi người ta chết đi. Chính sự không chắc chắn đó khiến mọi người hoảng sợ.


Những người để nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm trí mình - dù là bất cứ nỗi sợ hãi nào - không để ý đến việc sử dụng tâm trí của mình và bắt đầu buông thả. Cuối cùng, họ sẽ buông thả theo vòng xoáy của nhịp điệu thôi miên mà họ sẽ không bao giờ có thể thoát ra được.


H: Và ngươi không hề bận tâm đến việc các thủ lĩnh tôn giáo nghĩ hay nói gì về ngươi khi họ nói về cái chết sao?


Đ: Không hề! Nếu các thủ lĩnh tôn giáo ngừng nói về ta, sự nghiệp của ta sẽ thất bại thảm hại. Mọi đòn tấn công chống lại ta đều khiến nỗi sợ hãi về ta thêm vững chắc trong tâm trí của tất cả những người bị ảnh hưởng bởi nó. Ngươi thấy đấy, điều ngược lại mới giúp họ không buông thả. Miễn sao họ không nhượng bộ cho nó là được.


H: Bởi ngươi đã nói rằng các nhà thờ đang giúp đỡ chứ không hề cản trở sự nghiệp của ngươi, hãy nói cho ta biết điều gì mới khiến ngươi lo lắng?


Đ: Mối lo duy nhất của ta là một ngày nào đó có một nhà tư tưởng thật sự sẽ xuất hiện trên Trái đất này.


H: Nếu xuất hiện một nhà tư tưởng thì chuyện gì sẽ xảy ra?


Đ: Ngươi hỏi ta chuyện gì sẽ xảy ra ư? Ta sẽ nói cho ngươi biết câu trả lời. Mọi người sẽ biết được sự thật vĩ đại nhất trong mọi sự thật - rằng thay vì tốn thời gian cho việc sợ hãi, nếu họ hành động ngược lại, họ sẽ có được mọi thứ mình muốn ở thế giới vật chất và cứu họ thoát khỏi ta sau khi họ chết. Đó không phải là điều đáng bận tâm hay sao?


Con Quỷ nói rằng: “Thay vì dành thời gian cho việc sợ hãi, nếu họ hành động ngược lại, họ sẽ có được mọi thứ mình muốn ở thế giới vật chất và cứu họ thoát khỏi ta sau khi họ chết.”


H: Điều gì ngăn một nhà tư tưởng như vậy chưa xuất hiện trên thế giới này?


Đ: Chính là nỗi sợ hãi bị chỉ trích! Có thể ngươi sẽ thấy thích thú khi biết rằng nỗi sợ hãi bị chỉ trích là thứ vũ khí hiệu quả duy nhất mà ta có để chống lại ngươi. Sau khi bắt ta thú tội, nếu ngươi không e ngại xuất bản nó, ta sẽ đánh mất vương quốc của mình.


H: Và nếu ta có thể khiến ngươi ngạc nhiên và xuất bản nó, sẽ mất bao lâu nữa ngươi mới đánh mất vương quốc của mình?


Đ: Thời gian đó tương đương với khoảng thời gian một thế hệ trẻ em lớn lên và hiểu được vấn đề. Ngươi không thể lấy lại những người đã trưởng thành từ tay ta. Ta đã hoàn toàn trói buộc được họ. Nhưng nếu ngươi xuất bản lời thú tội này, ngươi có thể khiến ta không chiếm được quyền kiểm soát của những người chưa chào đời và cả những người chưa đến tuổi biết nhận thức nữa. Ngươi sẽ không dám xuất bản những gì ta vừa nói về các thủ lĩnh tôn giáo. Họ sẽ đóng đinh ngươi!


H: Ta nghĩ việc thực hiện hành vi đóng đinh đầy man rợ đó đã lỗi thời cách đây cả hai ngàn năm rồi.


Đ: Ta không có ý nói họ sẽ đóng đinh ngươi lên cây thánh giá. Ý ta là ngươi sẽ bị đóng đinh về mặt xã hội và kinh tế. Ngươi sẽ hoàn toàn không có nguồn thu nhập nào. Ngươi sẽ bị xã hội ruồng bỏ. Các thủ lĩnh tôn giáo và môn đồ của họ cũng sẽ khinh bỉ ngươi.


H: Cứ cho rằng ta sẽ lựa chọn gắn số phận của mình với số ít những người ra vẻ như đang sử dụng tâm trí của riêng mình còn hơn là số đông những người không làm vậy - số đông mà ngươi tuyên bố là 98% con người ấy?


Đ: Nếu ngươi đủ dũng cảm để làm điều đó, ngươi sẽ hủy hoại được ta.


Tôi bỗng cảm thấy cơn rùng mình chạy dọc xuống xương sống... vì những chi tiết trên thực tế đã ngăn bản thảo này, dù được viết từ năm 1938, không được xuất bản cho tới tận bây giờ, dù Napoleon Hill đã qua đời từ năm 1970. Liệu việc trì hoãn xuất bản tác phẩm này có thực sự là do “nỗi sợ hãi bị chỉ trích” của vợ ông và mối lo về phản ứng của các thủ lĩnh tôn giáo và những người ủng hộ trường công... hay điều này do chính Con Quỷ gây ra? Và giờ đây, gia đình và Quỹ Napoleon Hill đã quyết định rằng đã đến lúc cần phải chia sẻ bản thảo này với cả thế giới. Liệu chúng ta có để ý đến sự khôn ngoan của ông, khám phá thấy “cái tôi khác” và kiểm soát được chính tâm trí của chúng ta và đòi lại được số phận của chính mình hay không?


H: Tại sao ngươi không tuyên bố gì về các nhà khoa học? Ngươi không thích các nhà khoa học sao?


Đ: Ồ, có chứ. Ta thích tất cả mọi người, nhưng các nhà khoa học thật sự thì nằm ngoài tầm với của ta.


H: Tại sao?


Đ: Bởi họ biết suy nghĩ cho chính bản thân mình và dành thời gian để nghiên cứu về các quy luật của tự nhiên. Họ nghiên cứu về nguyên nhân và hệ quả. Họ phân tích các sự kiện ở bất cứ nơi đâu họ tìm thấy chúng. Nhưng ngươi đừng phạm phải sai lầm khi tin rằng các nhà khoa học không có tôn giáo. Họ có một tôn giáo vô cùng rõ ràng.


H: Tôn giáo của họ là gì?


Đ: Đó là tôn giáo của sự thật! Tôn giáo của các quy luật tự nhiên! Nếu thế giới từng có một nhà tư tưởng đúng đắn với khả năng lĩnh hội được những bí mật được chôn giấu sâu kín về sự sống và cái chết, ngươi có thể chắc chắn rằng các nhà khoa học sẽ chịu trách nhiệm về kết thúc thê thảm này.


H: Kết thúc thê thảm của ai?


Đ: Của ta, tất nhiên rồi!


H: Chúng ta hãy trở lại với vấn đề về nhịp điệu thôi miên. Ta muốn biết rõ hơn về nó. Nó giống như một nguyên tắc mà qua đó con người có thể thôi miên lẫn nhau, đúng không?


Đ: Đó chính xác là điều ta đã nói với ngươi. Tại sao ngươi cứ lặp lại các câu hỏi của mình như vậy?


H: Đó là một thói quen khôn ngoan của ta, thưa Bệ hạ. Để giúp ngươi khai sáng, ta sẽ nói cho ngươi biết rằng ta đang bắt ngươi lặp lại các khẳng định của mình nhằm nhấn mạnh chúng. Ta cũng đang thử xem ta có thể tóm được lời nói dối của ngươi hay không! Đừng có lẩn tránh vấn đề như thế. Hãy quay lại với nhịp điệu thôi miên và nói cho ta biết tất cả những gì ngươi biết về nó đi. Ta có phải là nạn nhân của nó hay không?


Đ: Bây giờ thì không, nhưng ngươi vừa mới thoát ra khỏi mạng nhện của ta. Ngươi bị cuốn theo vòng xoáy của nhịp điệu thôi miên cho đến khi ngươi khám phá ra cách bắt ta phải thú tội. Sau đó thì ta không kiểm soát được ngươi nữa.


H: Thú vị đấy. Không phải ngươi sẽ cố bắt ta lại bằng những lời tâng bốc của ngươi đấy chứ?


Đ: Đó là vật hối lộ tốt nhất ta có thể đưa ra cho ngươi. Đó cũng chính là vật hối lộ hiệu quả nhất ta từng sử dụng với ngươi trước khi ngươi kiểm soát được ta.


H: Ngươi tâng bốc ta bằng những thứ gì?


Đ: Bằng rất nhiều thứ và quan trọng nhất trong số những thứ đó là tình dục và khao khát thể hiện bản thân.


H: Những vật ngươi hối lộ có tác động tới ta như thế nào?


Đ: Chúng làm cho ngươi bỏ bê mục tiêu lớn trong cuộc đời mình và khiến ngươi bắt đầu buông thả.


H: Đó là tất cả những gì ngươi làm với ta qua các vật hối lộ của nhà ngươi sao?


Đ: Như thế là nhiều rồi.


H: Nhưng ta đã quay trở lại và nằm ngoài tầm với của ngươi, có đúng không?


Đ: Đúng vậy, ngươi đang tạm thời nằm ngoài tầm với của ta vì ngươi đang không buông thả.


H: Điều gì đã phá vỡ bùa mê của ngươi trong người ta và giúp ta thoát khỏi thói quen buông thả?


Đ: Câu trả lời của ta sẽ khiến ngươi bẽ mặt đấy. Ngươi có muốn biết không?


H: Cứ tiếp tục trả lời ta đi, thưa Bệ hạ. Ta muốn tìm hiểu xem ta có thể chịu đựng sự thật đến mức nào.


Đ: Khi ngươi tìm thấy một tình yêu vĩ đại ở người đàn bà mà ngươi đã chọn, ta không nắm bắt được ngươi nữa.


H: Vậy ngươi sẽ buộc tội ta vì đã nấp sau váy đàn bà có đúng không?


Đ: Không, không phải là nấp sau váy đàn bà. Ta không nói như thế. Ta muốn nói rằng ngươi đã học được cách tạo dựng được một nền tảng vững chắc cho mình bằng sự tô điểm của trí tuệ của một người phụ nữ.


H: Tức là cái váy của người phụ nữ không liên quan gì đến chuyện này?


Đ: Không, nhưng bộ não của cô ta thì có đấy. Khi ngươi và vợ ngươi bắt đầu hợp nhất hai bộ não của các ngươi lại với nhau thông qua thói quen “Trí tuệ Ưu tú” hàng ngày, các ngươi đã tình cờ phát hiện ra sức mạnh bí mật giúp ngươi bắt ta phải thú tội.


H: Đó có phải là sự thật không hay ngươi lại đang tâng bốc ta?


Đ: Ta chỉ tâng bốc được ngươi nếu ngươi ở một mình nhưng ta không thể làm điều đó khi ngươi sử dụng cả trí tuệ của vợ mình nữa.


H: Ta bắt đầu hiểu được vài điều thật sự rất quan trọng rồi đấy. Ta bắt đầu hiểu tác giả Kinh thánh có ý gì khi viết câu: “Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ.” Và rõ ràng rằng, hai trí tuệ sẽ tốt hơn một trí tuệ.


Đ: Điều đó không chỉ đúng, mà còn cần thiết cho bất cứ ai trước khi có thể liên tục tiếp xúc với nhà kho vĩ đại của Trí tuệ Vô hạn - nơi có mọi thứ đang, đã và có thể sẽ tồn tại.


H: Có một nhà kho như vậy thật hay sao?


Đ: Nếu nó không tồn tại, ngươi sẽ không - không thể - làm nhục ta với lời thú tội bị ép buộc một cách ngu ngốc này được.


H: Liệu việc đưa những thông tin kiểu như thế này đến với thế giới có nguy hiểm gì hay không?


Đ: Chắc chắn là nó rất nguy hiểm với ta. Nếu ta là ngươi, ta sẽ không công bố những thông tin như thế này đâu.


H: Nào, giờ chúng ta hãy quay trở lại với những kỹ xảo ngươi dùng để buộc chặt các nạn nhân của ngươi vào thói quen buông thả đi. Bước đầu tiên một người buông thả phải làm để phá vỡ thói quen đó là gì?


Đ: Một khao khát bỏng cháy để phá vỡ thói quen đó! Tất nhiên là ngươi biết rằng không ai có thể bị người khác thôi miên nếu ý chí của người đó không bị thôi miên. Ý chí có thể ảnh hưởng đến sự bàng quan trước cuộc sống nói chung, chẳng hạn như thiếu tham vọng, sợ hãi, thiếu mục tiêu xác định và rất nhiều kiểu khác. Tự nhiên không cần sự chấp thuận của một người để đặt anh ta vào bùa mê của nhịp điệu thôi miên. Nó chỉ cần tìm thấy anh ta trong trạng thái không phòng thủ, qua bất cứ hình thức bỏ mặc không sử dụng tâm trí nào. Hãy nhớ điều này: Với tất cả mọi thứ các ngươi có, hoặc sử dụng nó, hoặc các ngươi sẽ mất nó.


Các ngươi cần thực hiện mọi nỗ lực nhằm phá vỡ thói quen buông thả trước khi tự nhiên biến nó thành thói quen cố định qua nhịp điệu thôi miên.


H: Như ta hiểu thì nhịp điệu thôi miên là một quy luật tự nhiên mà qua đó, tự nhiên sẽ quy định chuyển động của mọi hoàn cảnh. Điều đó có đúng hay không?


Đ: Đúng vậy, tự nhiên dùng nhịp điệu thôi miên để tạo nên các suy nghĩ chiếm ưu thế và các thói quen suy nghĩ cố định của một người. Đó là lý do tại sao nghèo đói lại là một căn bệnh. Tự nhiên đã khiến nó trở nên như vậy bằng cách quy định vĩnh viễn rằng thói quen suy nghĩ của tất cả những người chấp nhận nghèo đói là một hoàn cảnh tất yếu.


Cũng qua chính quy luật về nhịp điệu thôi miên này, tự nhiên cũng sẽ cố định vĩnh viễn các suy nghĩ tích cực về sự thịnh vượng và thành công.


Có thể ngươi sẽ hiểu rõ hơn về nguyên tắc hoạt động của nhịp điệu thôi miên nếu ta nói với ngươi rằng bản chất của nó là cố định vĩnh viễn mọi thói quen dù chúng thuộc phạm trù vật chất hay tinh thần. Nếu tâm trí của ngươi sợ nghèo đói, tâm trí của ngươi sẽ hấp dẫn sự nghèo đói. Nếu tâm trí của ngươi đòi hỏi sự giàu có và trông đợi nó, tâm trí của ngươi sẽ hấp dẫn sự giàu có tương đương về vật chất và tài chính. Điều này phù hợp với quy luật bất biến của tự nhiên.


Lần đầu tiên Napoleon Hill viết về Luật Hấp dẫn là trên ấn bản tháng Ba năm 1919 của tạp chí Nguyên tắc Vàng. Trong thập kỷ trước, quy luật bất biến của tự nhiên này đã trở nên vô cùng phổ biến trên khắp thế giới bởi thành công lừng lẫy của cuốn sách và bộ phim Điều bí mật.


H: Liệu tác giả của câu nói “Ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy” trong Kinh thánh cũng biết đến quy luật tự nhiên này hay không?


Đ: Chắc chắn là như vậy rồi. Câu nói này hoàn toàn đúng. Ngươi có thể thấy bằng chứng về sự thật của nó trong mọi mối quan hệ của con người.


H: Và đó cũng chính là lý do tại sao những người có thói quen buông thả trong cuộc sống phải chấp nhận bất cứ thứ gì cuộc đời trao cho mình. Điều đó có đúng không?


Đ: Điều đó hoàn toàn đúng. Cuộc sống có thể mua chuộc được bất cứ ai theo cách riêng của nó. Còn những người không buông thả khiến cuộc sống phải mua chuộc họ theo cách riêng của mình.


H: Vấn đề về đạo đức có liên quan gì đến việc một người đạt được những gì từ cuộc sống hay không?


Đ: Chắc chắn là có, nhưng chỉ với điều kiện là đạo đức của người đó ảnh hưởng đến chính suy nghĩ của họ. Không ai có thể có được những gì mình muốn từ cuộc sống chỉ bằng cách là một người tốt, nếu đó là những gì ngươi muốn biết.


H: Không, ta đoán là không đâu. Ta hiểu ý ngươi. Chúng ta là tất cả những gì thuộc về chúng ta bởi chính những hành động của mình.


Đ: Không, điều đó không hoàn toàn chính xác. Các ngươi là tất cả những gì thuộc về các ngươi bởi chính những suy nghĩ và hành động của mình.


H: Tức là không có cái gọi là vận may, đúng không?


Đ: Ta muốn nhấn mạnh là hoàn toàn không có. Những tình huống mà con người không hiểu được coi là vận may. Mọi chuyện diễn ra đều có nguyên nhân của nó. Nhưng nguyên nhân đó thường quá sâu xa so với kết quả đến mức chỉ có thể giải thích về trường hợp đó bằng cách gọi đó là do vận may. Trong tự nhiên, không có quy luật nào có tên là vận may hết. Đó chỉ là một giả thuyết con người tạo ra để giải thích cho những thứ mình không hiểu được. Những cụm từ như “vận may” hay “phép màu” là anh em song sinh với nhau. Chúng không hề tồn tại thật sự mà chỉ có trong trí tưởng tượng của con người mà thôi. Cả hai đều được sử dụng để giải thích cho những thứ con người không hiểu được. Hãy nhớ điều này: Mọi sự vật hay sự việc thật sự tồn tại đều có nguyên nhân của nó. Hãy luôn nhớ sự thật này trong tâm trí mình và ngươi sẽ biết cách tư duy đúng đắn hơn.


H: Thế giữa suy nghĩ và hành động thì cái nào quan trọng hơn?


Đ: Mọi hành động đều theo sau suy nghĩ. Sẽ không thể hành động mà trước đó chưa phác thảo chúng trong suy nghĩ. Hơn nữa, mọi suy nghĩ đều có chiều hướng tự bao bọc chúng bằng những bản sao vật chất. Những suy nghĩ thống trị trong một người - những suy nghĩ người đó trộn lẫn với cảm xúc, khao khát, hy vọng, niềm tin, nỗi sợ hãi, sự ghét bỏ, tham lam, lòng nhiệt tình - không chỉ có xu hướng tự bao bọc chúng trong bản sao vật chất tương đương mà chắc chắn chúng sẽ làm vậy.


H: Ngươi nhắc ta nhớ rằng ta phải bắt ngươi nói nhiều hơn về bản thân mình đấy. Ngoài tâm trí của con người, ngươi còn sống và hoạt động ở nơi nào nữa?


Đ: Ta hoạt động ở bất cứ nơi đâu có cái để ta kiểm soát và chiếm đoạt. Ta đã nói với ngươi rằng ta là phần tiêu cực của điện tử vật chất.


• Ta là tiếng nổ của tia chớp.


• Ta là nỗi đau trong bệnh tật và những đau đớn thể xác.


• Ta là vị đại tướng không ai nhìn thấy trong chiến tranh.


• Ta là đại biểu của sự đói kém và nghèo khổ.


• Ta là người truyền cảm hứng cho những ham muốn nhục dục.


• Ta là cha đẻ của thói ghen tỵ, đố kỵ và tham lam.


• Ta là kẻ chủ mưu của mọi nỗi sợ hãi.


• Ta là thiên tài có thể chuyển những thành tựu khoa học của con người thành những công cụ của Thần chết.


• Ta là người phá hoại sự hòa hợp trong mọi mối quan hệ của con người.


• Ta là kẻ thù của công lý.


• Ta là thế lực thúc đẩy mọi hành vi trái với luân lý.


• Ta là người dồn Cái Tốt vào thế bí.


• Ta là sự lo lắng, sự hồi hộp, mê tín và điên loạn.


• Ta là kẻ hủy hoại niềm tin và hy vọng.


• Ta là người truyền cảm hứng cho những tin đồn và vụ bê bối tiêu cực.


• Ta là người ngăn chặn những suy nghĩ độc lập và tự chủ.


• Tóm lại, ta là người tạo ra mọi nỗi đau khổ của con người, là kẻ chủ mưu của mọi nỗi thất vọng và chán nản.


H: Và ngươi không cho rằng những điều đó thật lạnh lùng và độc ác?


Đ: Ta lại cho rằng chúng rõ ràng và đáng tin cậy.


Cuộc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới đã phá vỡ thói quen của con người ở khắp mọi nơi và phân phối lại các nguồn cơ hội trong mọi lĩnh vực của cuộc sống với một tỉ lệ chưa từng có.


Người buông thả đưa ra những cái cơ hờn dỗi để cố giải thích vì sao mình lại ở những vị trí không mong muốn và than khóc rằng thế giới chẳng còn cơ hội nào cho họ cả.


Những người không buông thả không chờ đợi cơ hội được dọn sẵn trên con đường đi của mình. Họ tạo ra cơ hội phù hợp với khao khát của bản thân họ và nhu cầu của cuộc sống!


Napoleon Hill đã nói về những cơ hội lớn mới nảy sinh trong cuộc Đại Suy thoái và những người mới phát tài nhờ nắm bắt được những cơ hội đó. Tôi tin rằng Napoleon Hill cũng sẽ nói chính những điều này vào thời đại của chúng ta... hiện nay có rất nhiều cơ hội xuất hiện do tình trạng kinh tế đang rơi vào trạng thái hỗn loạn. Bạn sẽ nắm bắt và tạo ra cơ hội cho chính mình vừa phù hợp với mong muốn của bạn vừa phù hợp với yêu cầu của cuộc sống chứ?


H: Liệu những người không buông thả có đủ thông minh để tránh bị ảnh hưởng bởi nhịp điệu thôi miên hay không?


Đ: Không ai đủ thông minh để tránh được bị ảnh hưởng bởi nhịp điệu thôi miên cả. Cũng giống như mọi người không thể tránh được ảnh hưởng của Luật Hấp dẫn. Quy luật của nhịp điệu thôi miên cố định vĩnh viễn các suy nghĩ chiếm ưu thế của con người, dù họ là người buông thả hay không buông thả.


Một người không buông thả chẳng có lý do gì để muốn tránh ảnh hưởng của nhịp điệu thôi miên cả, vì quy luật đó có ích cho anh ta. Nó giúp anh ta biến các mục tiêu, kế hoạch và mục đích lớn của mình thành những bản sao vật chất tương đương. Nó quy định những thói quen suy nghĩ của anh ta và khiến nó trở nên cố định. Chỉ những người buông thả mới muốn tránh ảnh hưởng của nhịp điệu thôi miên.


H: Phần lớn thời gian trong quãng đời trưởng thành của mình, ta đã là một người buông thả. Làm sao ta có thể thoát khỏi vòng xoáy của nhịp điệu thôi miên?


Đ: Không phải là ngươi đã thoát khỏi nó. Từ khi ngươi đến tuổi trưởng thành, phần lớn những suy nghĩ và khao khát vượt trội trong ngươi đã trở thành một khao khát được xác định rõ ràng và cụ thể để hiểu được tất cả những tiềm năng của tâm trí.


Ngươi có thể buông thả những suy nghĩ ít quan trọng hơn, nhưng ngươi không buông thả sự kết nối với khao khát này. Vì ngươi không buông thả, ngươi đã ghi lại một tài liệu mang lại cho ngươi chính xác những suy nghĩ vượt trội đòi hỏi cuộc sống.


H: Tại sao kẻ thù của ngươi không sử dụng nhịp điệu thôi miên để khiến những suy nghĩ và hành động của một người trở nên cao thượng hơn một cách vĩnh viễn? Tại sao kẻ thù của ngươi cho phép ngươi sử dụng sức mạnh lạ lùng này như một phương tiện để giăng bẫy con người vào một cái mạng nhện xấu xa do chính những suy nghĩ và hành động của họ tạo ra? Tại sao kẻ thù của ngươi không chiến thắng ngươi bằng cách buộc chặt con người với những suy nghĩ giúp tạo dựng và nâng họ vượt quá tầm ảnh hưởng của ngươi?


Đ: Quy luật của nhịp điệu thôi miên có giá trị cho tất cả những người sử dụng nó. Ta sử dụng nó hiệu quả hơn kẻ thù của ta vì ta đưa ra cho con người nhiều vật hối lộ hơn để họ suy nghĩ theo kiểu suy nghĩ của ta và thích thú với những hành động theo kiểu của ta.


H: Nói theo cách khác, ngươi kiểm soát tâm trí của con người bằng cách tạo nên các suy nghĩ và hành động tiêu cực để làm hài lòng họ. Điều đó có đúng không?


Đ: Chính xác!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn